Am hiểu rõ về thành phần chất dinh dưỡng, nữ kỹ sư công nghệ thực phẩm Huỳnh Thị Thu Thảo (Quảng Nam) chọn rời phố về quê để khởi nghiệp với niềm đam mê đồ ngọt.
>>Mãi tỏa sáng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP. HCM, chị Huỳnh Thị Thu Thảo (trú thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cùng với tấm bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm về quê thực hiện hành trình khởi nghiệp. Với kiến thức tiếp thu trên ghế giảng đường và sự nỗ lực mài mò, nữ kỹ sư quyết định chọn hướng khởi nghiệp với các loạt bánh ngọt giàu dinh dưỡng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển tại quê nhà khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt vẫn chưa có, người này đã xác định sẽ là cá nhân tiên phong phát triển ngành nghề mới trên chính quê hương mình. Nghĩ là làm, chị Thảo đã bắt tay vào xây dựng cơ sở, mua sắm thiết bị và bắt đầu hành trình từ năm 2019 với tên gọi “Happy House”.
“So với những người khác, mình có lợi thế hơn là có kiến thức từ nhà trường nên am hiểu được thành phần dinh dưỡng cần có trong mỗi sản phẩm. Đối với các hộ kinh doanh ở quê, họ chỉ có làm bánh sinh nhật mà không chú trọng các sản phẩm khác vì sức mua khá thấp, người dân cũng không quan tâm đến bánh ngọt. Vì vậy, cơ hội cho mình khá lớn nên bản thân quyết định đánh cược vào hành trình khởi nghiệp”, chị Huỳnh Thị Thu Thảo chia sẻ.
Xác định khởi nghiệp bằng đồ ngọt, tuy nhiên chị Thảo thừa nhận rằng bản thân lại không “hảo ngọt”. Vì vậy, sản phẩm của chị Thảo được định hướng phát triển theo công thức đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, thay đường tinh luyện bằng đường nguyên chất và giảm liều lượng.
Nói về định hướng của mình, nữ kỹ sư cho rằng sản phẩm của mình phải phù hợp với nhiều thị trường, nhiều tầng lớp người dân và dùng được cả cho người có bệnh nền. Vì vậy, sản phẩm của chị Thảo khi vừa hình thành khá kén người dùng. Không nản lòng, cơ sở sản xuất của chị Thảo đã cho ra thị trường hàng loạt sản phẩm gồm bánh tươi và khô như bánh sinh nhật, bánh bò, bánh quy, thanh gạo lứt, ngũ cốc, bánh nướng,... để bắt kịp nhu cầu của khách hàng.
Sau giai đoạn thử nghiệm và nhìn thấy tính khả quan của thị trường, chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất, mua sắm thiết bị chế biến với tổng mức kinh phí ban đầu gần 500 triệu đồng. Cá cược với vận mệnh, chị Thảo dần hái “quả ngọt” khi dần được tin dùng, thị trường dần mở rộng và số đơn hàng ngày càng tăng. Dần dần, các đại lý, siêu thị,... đã tiếp cận và lựa chọn sản phẩm của Happy House để cho vào gian hàng kinh doanh.
“Vì là thực phẩm sử dụng nguyên liệu sạch nên hạn sử dụng của sản phẩm không được lâu, đây cũng chính là khó khăn của đầu ra khi cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt thị trường, các sản phẩm của cơ sở đã được tin dùng nhiều hơn nên không lo ngại đến đầu ra. Về giá thành so với mặt bằng chung thực tế là không cao nên phù hợp để cho người dân sử dụng”, chị Thảo bộc bạch.
Với cách vận dụng mạng xã hội nhạy bén, công tác quảng bá sản phẩm, tiếp thị được chị Thảo triển khai ngay trên các nền tảng Facebook, zalo,... từ đó tìm được nguồn khách ổn định. Đồng thời từ các hội chợ, triển lãm mà tỉnh Quảng Nam tổ chức, nhiều khách sỉ đã kết nối, nhập hàng cố định số lượng lớn với Happy House.
Đến hiện tại, mỗi tháng cơ sở sản xuất của chị Thảo cho về doanh thu gần 150 triệu đồng. Ngoài việc tự kinh doanh tại gia đình, chị Thảo còn mở rộng thị trường đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. HCM,...
Trong hành trình khởi nghiệp của bản thân, nữ kỹ sư này cũng tìm cách hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng cách thu mua nông sản của người dân như đậu phộng, mè đen,... để sử dụng trong sản xuất. Ngoài ra, chị Thảo cũng thuê cố định 3 nhân công tại quê nhà với mức lương 5.000.000 đồng/người. Trong thời gian cao điểm như Tết, Trung thu,... cơ sở của chị Thảo làm việc không ngừng nghỉ vì đơn hàng tăng đột biến. Ngoài những nhân công chủ chốt, chị Thảo cũng tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đảm bảo đơn hàng cho khách.
Trong thời gian tới, nữ kỹ sư này đã lên mục tiêu mở rộng các chuỗi cửa hàng tại địa phương khác để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, gây dựng thương hiệu “An Xanh” (tên thay đổi Happy House) để cung ứng các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Để tiếp tục phát triển thương hiệu, chị Thảo vẫn cần sự hỗ trợ từ địa phương, các đơn vị kiểm định, bảo hộ thương hiệu,... để có thể tiếp cận được các thị trường mới. Với niềm đam mê mãnh liệt và cầu thị, nữ kỹ sư Huỳnh Thị Thu Thảo đang từng ngày nỗ lực vươn lên, khẳng định giá trị, vai trò của người phụ nữ trong thời hiện đại.
Có thể bạn quan tâm