Gia tăng tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm vị trí và vai trò lãnh đạo là một chỉ báo về sự thay đổi vị thế xã hội của phụ nữ.
>>Hỗ trợ phụ nữ từ ý tưởng khởi nghiệp
Ngay tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/1930, “Chánh cương vắn tắt” đã xác định “Nam nữ bình quyền” là một trong những nhiệm vụ của cách mạng nước ta. Từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự tham gia và vai trò ngày càng nổi bật của phụ nữ trong tiến trình cách mạng và phát triển đất nước. Hiện nay, trên bình diện toàn cầu, một trong những chỉ báo dễ hình dung nhất về sự thay đổi vị thế xã hội của phụ nữ là tỷ lệ nữ lãnh đạo, cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Ở nước ta, trong lĩnh vực chính trị, có thể kể ra các đại biểu nữ đã góp phần thay đổi hình ảnh phụ nữ Việt Nam hiện đại như nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tướng Nguyễn Thị Định, hay các nữ chính khách sau này như Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa… Gần đây, với chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân của Quốc hội khóa XIV, Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có phụ nữ đảm nhiệm vị trí trong ban lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có 01 phụ nữ tham gia Bộ chính trị (trong tổng số 18 thành viên) và 19 nữ ủy viên trung ương Đảng (trên tổng số 180 thành viên chính thức). Mới đây nhất, bà Trương Thị Mai được phân công vào vị trí Thường trực ban Bí thư, một trong những vị trí quyền lực nhất trong cấu trúc quyền lực chính trị Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, tiến trình đổi mới đất nước trong hơn 35 năm vừa qua cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều phụ nữ chứng tỏ khả năng sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 31/12/2020, theo số liệu từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong tổng số 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước thì có 242.326 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Còn theo số liệu điều tra doanh nghiệm PCI năm 2020 thì tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 23,4%.
Đến nay, bên cạnh các nữ chính khách, người dân cả nước đã quen thuộc và không khỏi ngưỡng mộ các nữ doanh nhân đầy quyền lực như các bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG), Thái Hương (TH Truemilk và BacABank), Cao Thị Ngọc Dung (Đá quý Phú Nhuận), Nguyễn Thị Mai Thanh (Cơ điện REE), Trương Thị Lệ Khanh (Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn), Nguyễn Bạch Điệp (FPT Retail), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang).
>>Phụ nữ ứng dụng công nghệ số để khởi nghiệp
>>Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đối diện nhiều thách thức
>>Hà Nội tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 thì tỷ lệ nữ giới ở nước ta nhỉnh hơn nam giới (khoảng 48,3 triệu người so với 47,8 triệu nam giới). Tuy nhiên, như các số liệu đã dẫn ở phần trên, hiện vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa nam và nữ trong các vị trí lãnh đạo kinh tế - chính trị.
Về kinh tế, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm khoảng ¼ tổng số doanh nghiệp cả nước.
Về chính trị, hiện tại chúng ta chỉ có duy nhất 01 nữ thành viên Bộ chính trị và tỷ lệ nữ ủy viên trung ương Đảng chỉ khoảng 10%.
Có thể thấy, mặc dù đã có những tiến bộ rõ ràng, tiến trình thay đổi nhận thức và vị thế xã hội của phụ nữ ở nước ta vẫn còn đối diện rất nhiều thách thức gian nan.
Từ năm 2007, Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra: “Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm”.
Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi vị thế xã hội của phụ nữ gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như nước ta. Trước hết, đó là năng lực còn hạn chế, thái độ còn thụ động của bản thân nữ giới. Tiếp đó là văn hóa và nhận thức xã hội nói chung còn coi trọng nam giới. Hệ thống chính sách đã có sự ưu tiên phụ nữ nhưng các quy định chưa rõ ràng nên khó áp dụng. Hệ thống thể chế áp dụng chung cho cả nam và nữ cũng chính là một rào cản trong rất nhiều tình huống.
Sau Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X, năm 2018, Ban bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Theo đó, một nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới là phải “nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Sự xuất hiện ngày càng đông đảo của phụ nữ tại các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cũng như trong các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi hình ảnh, quyền lực, và mức độ ảnh hưởng của phụ nữ ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua cũng cho thấy nếu không có sự quyết liệt trong các hành động chính sách thì sẽ rất khó đạt được các mục tiêu phát triển nữ quyền.
Từ năm 2007, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”.
Có thể thấy, đến nay, chúng ta chưa đạt được các mục tiêu thúc đẩy phụ nữ tham chính nêu trên. Trong khu vực tư nhân, không chỉ còn ít về số lượng, quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu ở mức nhỏ, siêu nhỏ và trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Để tạo ra sự chuyển biến tích cực về vị thế xã hội của phụ nữ thì cần thêm sự quyết liệt trong thực thi chủ trương, chính sách. Chẳng hạn, để thúc đẩy phụ nữ tham chính và đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý thì cần coi việc đạt được các chỉ tiêu nêu ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW khóa X là một cơ sở bắt buộc để đánh giá mức độ thực hiện vai trò lãnh đạo của cá nhân đứng đầu và tổ chức Đảng các cấp.
Với khu vực tư nhân, các chính sách ưu tiên phụ nữ cần rõ ràng, cụ thể hơn về mục tiêu và biện pháp. Quy trình và thủ tục hỗ trợ phụ nữ cần đơn giản hơn để thuận lợi trong thực thi. Về lâu dài, chúng ta cần xây dựng hệ thống dữ liệu phân tách giới để làm cơ sở cho hoạch định chính sách thúc đẩy nữ quyền.
Có thể bạn quan tâm
01:18, 22/02/2023
16:12, 14/01/2023
00:33, 15/11/2022
18:28, 31/10/2022