Việc Tập đoàn T&T do đại gia Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT là đơn vị duy nhất được chọn làm cổ đông chiến lược của Vinafood 2 - một ông lớn trong ngành lúa gạo chuẩn bị IPO vào ngày 14/03 tới đây tiếp tục cho thấy “nước cờ” mới của bầu Hiển trong "cuộc chơi" nông nghiệp công nghệ cao.
Theo kế hoạch, T&T sẽ mua 125 triệu cổ phần của Vinafood 2, tương đương 25% vốn điều lệ. Tạm tính theo giá khởi điểm để đấu giá (10.100 đồng/cp) thì T&T sẽ phải chi hơn 1.200 tỷ đồng cho thương vụ này. Như vậy, bầu Hiển lại có động thái mới trên con đường đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Theo phương án cổ phần hóa, Vinafood 2 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng do Nhà nước sở hữu 51%, bán cho cổ đông chiến lược 25%, chào bán ra bên ngoài 22,97%, còn lại bán cho nhân viên và công đoàn của Tổng công ty.
Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản và dự trữ, lưu thông lương thực.... Giữ một vị thế lớn trong ngành với có hệ thống phân phối bao phủ khắp các tỉnh khu vực phía Nam song tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, công tác tìm kiếm và phát triển thị trường mới cũng như chất lượng sản phẩm và chủng loại còn gặp nhiều hạn chế.
Theo bản công bố thông tin, cho đến thời điểm 16 giờ, ngày 27/7/2017, Tổng công ty chỉ nhận được duy nhất 01 bộ Hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Trước đó, khi xây dựng Phương án cổ phần hóa chỉ có 2 nhà đầu tư quan tâm và mong muốn làm nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần FPT và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, Công ty cổ phần FPT, hồ sơ để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không có đủ tính pháp lý (chỉ có hồ sơ photocopy).
Đến thời điểm hoàn thiện Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Lương thực miền Nam (15/12/2017), Tổng công ty chỉ nhận được hồ sơ của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề nghị tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, để kịp tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinafood 2 đề xuất lựa chọn công ty cổ phần Tập đoàn T&T làm nhà đầu tư chiến lược để Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tháng trước, ngày 22/1, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T (thuộc Tập đoàn T&T) đã ra mắt thương hiệu T.Vita - một thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn.
Tại lễ ra mắt này, ông Đỗ Quang Hiển đã chia sẻ, khi còn là sinh viên khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã luôn ấp ủ hoài bão cống hiến cho ngành nghiên cứu công nghệ Quốc gia, mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào những công trình nghiên cứu công nghệ vì sự phát triển của đất nước.
“Dòng đời “xô đẩy”, tôi lại bén duyên sang lĩnh vực kinh doanh, nhưng trong lòng vẫn canh cánh một khát vọng. Đó là phải làm một cái gì đó gắn với sản xuất, gắn với công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp một cuộc sống thoải mái, thuận tiện hơn cho người Việt”- ông Hiển chia sẻ tại Lễ ra mắt thương hiệu T.Vita.
Theo ông Hiển, khi Tập đoàn T&T mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp, điều đầu tiên ông Hiển nghĩ đến là phải phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ông Hiển cho rằng, với việc ra mắt thương hiệu T.Vita, Tập đoàn T&T mong muốn thay đổi căn bản nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững.
Bền vững - theo ông Hiển, được thể hiện bằng việc quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu liên kết trên phạm vi cả nước, đồng hành hỗ trợ kỹ thuật với các hộ sản xuất liên kết tại các vùng chiến lược, tổ chức kiểm soát quá trình canh tác theo chuẩn quốc tế và đảm bảo bao tiêu ổn định, lâu dài.
Thực tế, với việc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T hợp tác công nghệ với các đối tác: P.Marom - công ty số 1 về công nghệ nhà kính của Israel; công ty lai tạo giống rau củ quả Enza Zaden đến từ Hà Lan với hơn 80 năm kinh nghiệm, thì những mong muốn mà Tập đoàn T&T hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực.
Hiện T.Vita phát triển khu trang trại và chế xuất chất lượng cao theo dây chuyền và công nghệ quốc tế tại Đà Lạt, Mộc Châu, Hòa Bình và Bắc Giang... Năm 2018, đơn vị này sẽ thực hiện chương trình liên kết vùng nguyên liệu bền vững ở nhiều khu vực, diện tích khoảng 1.000 ha, 500 hộ sản xuất. Dự kiến các sản phẩm đầu tiên của T.Vita sẽ ra mắt vào cuối Quý I/2018.