Khủng khiếp, hoảng sợ, tàn khốc, đau thương, chưa từng xảy ra... Đó là những từ được lặp đi lặp lại khi người dân bản Sa Ná nói về trận lũ vừa đi qua.
Sau 2 ngày cơn lũ dữ quét qua xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đi bộ gần 5km lần theo con đường ven sườn núi Luốt Mu, lội men theo con suối Son mới đến được bản Sa Ná bị thiệt hại nặng nhất của trận lũ kinh hoàng này.
Hơn nửa bản bị lũ cuốn trôi
Con đường nhựa dẫn vào bản Sa Ná ngày nào đã biến mất, nhường chỗ những tảng đá hộc to bằng nửa cái nhà, những thân gỗ nằm ngổn ngang khắp nơi, cùng bùn đất. Bên dòng suối Son đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, chỉ còn xót lại vài ngôi nhà bị lũ đẩy cho xiêu vẹo, còn lại là đống đổ nát, xác xơ.
Trận lũ lịch sử xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 3/8, đã cuốn trôi 15 người dân và 20 ngôi nhà. Đến sáng ngày 5/8, mới có 5 người được tìm thấy, 10 người còn lại đang mất tích, cả bản Sa Ná với 30 ngôi nhà gần như bị tàn phá hoàn toàn.
Đôi mắt đỏ ngấn nước, chị Nguyễn Thị Thúy nghẹn ngào: “Hay tin lũ tràn qua bản, tôi lội rừng chạy vội về xem bố mẹ thế nào, đến nơi thì thấy nhà và bố mẹ đều bị lũ cuốn trôi mất rồi. Chẳng biết sống chết thế nào, tôi chỉ cầu trời tạnh mưa để nhanh chóng tìm thấy bố mẹ thôi”.
Nhớ về cơn lũ kinh hoàng vừa qua, ông Lò Văn Thiêm thẫn thờ kể: “Khoảng 8 giờ sáng, thấy nước đổ về tôi và các con đang dọn dẹp nhà cửa, cất đồ đạc lên cao thì tôi nghe tiếng động lạ ầm ầm như bom dội từ thượng nguồn đổ về,nhìn ra cửa thì thấy dòng nước cao quá ngôi nhà ập xuống, tôi chỉ kịp chạy lên chỗ cao để thoát thân. Lúc đấy, con gái tôi trong nhà không kịp chạy nên lũ cuốn cả nhà và con tôi đi rồi, tôi chỉ biết gào khóc mà không thể làm được gì để cứu con”.
Có thể bạn quan tâm
07:37, 04/08/2019
20:10, 03/08/2019
17:00, 03/08/2019
16:05, 02/08/2019
Chờ người thân trong vô vọng
Những ngày qua, hàng nghìn người thuộc các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực tìm kiếm những người dân mất tích trong lũ, mỗi một giờ đồng hồ trôi qua, hy vọng tìm thấy những người còn sống như cạn dần.
Khắp bản làng Sa Ná là tiếng kêu khóc, tiếng nói không nên lời của những người dân có người thân mất tích, có nhà bị cuốn trôi, khiến cả dãy núi Luốt Mu bao trùm trong không khí tang tóc.
Đàn ông vốn giấu nỗi đau giỏi hơn phụ nữ, nhưng đối với anh Hà Văn Vân (29 tuổi), cùng lúc đã mất đi 6 người thân của mình là bố, mẹ, chị gái, vợ và hai đứa con nhỏ có lẽ nỗi đau của anh quá bất ngờ và đột ngột khiến anh không thể chịu nổi. Đôi mắt thất thần của người đàn ông ấy cứ lặng lẽ nhìn ra dòng suối Son như oán trách, như hy vọng có phép màu nào đưa người thân của anh trở về.
Một người hàng xóm nhà anh Vân cho biết, lũ quá bất ngờ, ồng ộc đổ từ đầu nguồn xuống khiến mọi người không kịp trở tay. “Cậu Vân đi làm thuê ở tỉnh khác không có ở nhà nên mới thoát nạn. Còn bố mẹ, chị gái, vợ và 2 đứa con (đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi) của cậu Vân đều bị lũ cuốn trôi, cả 6 người trong nhà luôn. Cả đời tôi sống ở đây chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế”.
Mất nhà, nằm lán tạm, mặc áo ướt để ngủ
Dọc đường bắt đầu vào bản Sa Ná, có rất nhiều những chiếc lán nhỏ tạm bợ bằng bạt đã được dựng lên. Bao nhiêu lều bạt là bấy nhiêu ngôi nhà đã bị lũ cuốn mất. Trong đó, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt trẻ nhỏ ngơ ngác vì mất nhà, mất người thân, ánh mắt bàng hoàng của những người già vì tay trắng, những gương mặt thất thần, hốc hác sau gần 2 ngày hoảng loạn chạy lũ, thiếu ăn, thiếu ngủ.
Trong túp lều bạt dựng trên nền đất cũ của gia đình con gái, bà Hà Thị Yến (80 tuổi) không tin nổi lũ lại lớn đến vậy. “Cả đời tôi sống ở đây, thường ngày nước suối Son rất thấp, chúng tôi còn lội qua lại để đi rừng. Bà con còn vỡ ruộng, lấy nước suối cấy lúa sinh sống. Không ngờ lũ theo suối cuốn hết, mất hết rồi. Ở đây, người dân sống khổ lắm, bám vào mấy cây nứa, cây luồng trên rừng thôi, giờ nhà cửa trôi hết, không biết lấy gì để xây dựng lại”, bà Yến lo lắng.
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: "Ngay sau khi lũ xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm các nạn nhân, nhưng do nước lũ quá lớn, công tác tìm kiếm hết sức khó khăn. Hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang tìm kiếm người mất tích và khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná".
“Cái khó hiện nay là đường vào Sa Ná hết sức khó khăn vì bản này nằm cách QL217 khoảng 7 km. Hiện tại, do nước dâng cao nên muốn vào được bản Sa Ná phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông Luồng. Sau đó, tiếp tục đi bộ khoảng 5km đường rừng mới có thể đến bản, nên công tác ứng cứu cho người dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tiệu nói.
Nhiều người dân bản Sa Ná bây giờ trắng tay không còn thứ gì ngoài một bộ quần áo đang mặc trên người, họ vẫn đang nhọc nhằn vượt khó sau cơn lũ càn quét. Bữa ăn giờ đây của bà con hoàn toàn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn cứu trợ.
Cuộc sống trước mắt của người dân vô vàn khó khăn, khi mà cái cày, cái cuốc, con lợn, con trâu, bao thóc cũng không còn. Bà con dân tộc Thái đang gồng mình vượt qua khó khăn, mất mát. Người dân bản Sa Ná rất cần sự quan tâm chia sẻ và sự vào cuộc khẩn trương hơn của các bộ ngành, bà con mong ước có được chỗ định cư bền vững, giúp cho bản làng vùng biên sớm bình yên.