Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Bình tại buổi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã kêu gọi, di dời toàn bộ 1.281 lao động đang canh coi trên 1.164 chòi canh ngao ven biển; 1.907 lao động đang làm việc tại 1.216 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; 55 lao động trên 575 lồng bè trên sông về nơi an toàn; kêu gọi 1.279 tàu, thuyền với 3.643 ngư dân đang làm ăn trên vùng biển của tỉnh Thái Bình vào bờ, tổ chức neo đậu an toàn.
Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã di dời 14.208 hộ dân với 51.098 nhân khẩu sinh sống ngoài đê chính vào trong đê. Đồng thời, chủ động phương án di dời 8.476 hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà yếu khi bão vào.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 Wipha, hôm nay (2/8), lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các địa phương trong tỉnh.
Kiểm tra tại một số cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, công trình đê, kè, cống và một số dự án trọng điểm tại 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải, ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi chủ phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thủy hải sản vào nơi tránh trú bão an toàn.
"Địa phương nào để ngư dân, người lao động còn ở ngoài biển, địa phương đó phải chịu trách nhiệm với cấp trên" – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại các điểm đê xung yếu, ông Diên yêu cầu phải bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ đê, công trình trên đê, đặc biệt các điểm đê thuộc xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Hồng huyện Tiền Hải.
Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Thái Bình đã gieo cấy hơn 78.900ha lúa mùa, nếu không tiêu úng kịp thời toàn bộ diện tích này có nguy cơ thiệt hại rất lớn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là công tác tiêu nước, tiêu úng bảo vệ lúa, hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản, cùng với đó, các địa phương thực hiện khoanh khép vùng, khơi thông dòng chảy; phối hợp chặt chẽ với các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi phân công cán bộ ứng trực, tổ chức vận hành hệ thống bơm tiêu úng tại chỗ.
Tại trạm bơm Hậu Thượng, huyện Đông Hưng có công suất 25.000m3/giờ hiện có 1 điểm rò rỉ nước từ ngoài đê chảy ngược vào trong phía nội đồng.
Có thể bạn quan tâm
11:48, 02/08/2019
22:37, 01/08/2019
16:19, 01/08/2019
Ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, huyện Đông Hưng và ngành nông nghiệp theo dõi chặt chẽ và lên kế hoạch để xử lý, trong trường hợp nước sông dâng cao, điểm rò rỉ chảy mạnh cần báo cáo ngay để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do bão.
Đối với các trọng điểm đê, kè, cống trên địa bàn, đặc biệt là 10 công trình phòng, chống lụt bão đang được thi công, theo chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị thi công và chính quyền các địa phương đã chủ động xây dựng phương án; bố trí sẵn vật tư, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng xử lý khi có sự cố.