Đầu tư

“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Việt 09/10/2024 05:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Công điện nêu rõ, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

đầu tư 1
Ước thanh toán đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm…

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2024 các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn hơn 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Trong khi đó, ước thanh toán đến ngày 30/9/2024 con số đạt được là trên 320.566 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ 51,38% của cùng kỳ năm trước.

Trong số ngân khoản đã được giải ngân, vốn trong nước là trên 315.699 tỷ đồng, đạt 47,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài là gần 4.867 tỷ đồng, đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân này là chưa đạt kỳ vọng. Hiện tại, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Long An… thì vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.

Đáng chú ý, qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 cho thấy một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Đơn cử, TP HCM được giao hơn 79.263 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,7% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch.

Hà Nội được giao hơn 81.033 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Cùng với đó, nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân…

đầu tư 2
Mục tiêu tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và những giải pháp đột phá.

Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết khâu chuẩn bị dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng còn kéo dài. Sự thiếu quyết liệt của một số địa phương trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trên.

Bên cạnh đó, sự thiếu rõ ràng và thiếu thống nhất trong một số chính sách, cùng với những vướng mắc pháp lý, đã gây khó khăn cho việc triển khai dự án.

“Đặc biệt là cơ chế, chính sách chưa kịp thời thay đổi, dẫn đến các thủ tục kéo dài. Cụ thể, việc cập nhật, ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai mới còn chậm trễ, gây khó khăn cho các địa phương”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo nói.

Thêm vào đó, các ý kiến chuyên gia cũng lưu ý đến năng lực quản lý dự án của một số địa phương còn yếu kém và thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Điều này dẫn đến việc triển khai nhiều dự án thiếu hiệu quả. Trong khi, việc thiếu sự giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ cũng góp phần làm chậm trễ tiến độ.

Một điểm nghẽn khác được ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu ra, đó là tình trạng thiếu nguồn lực, đặc biệt là vật liệu xây dựng, như việc thiếu cát đang là điểm nghẽn lớn.

“Điều này đã làm tăng giá thành, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của các dự án, cộng thêm việc cấp phép khai thác, vận chuyển vật liệu còn chậm trễ”, ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến thẳng thắn chỉ ra việc cục bộ tại một số nơi, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức, không dám tham mưu, đề xuất xử lý gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, các chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu 95%, cần có giải pháp toàn diện và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO