Doanh nghiệp

Nút thắt về vốn “trói buộc” doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hạnh Lê 06/04/2025 03:04

Vòng luẩn quẩn: không có vốn mở rộng sản xuất, không thể tích lũy tài sản vì thế doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục khó khăn vay vốn phát triển.

Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm, chưa được giải quyết triệt để khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) khó bứt phá.

DN SEM
Thiếu nguồn vốn vay doanh nghiệp nhỏ và vừa khó bứt phá, mở rộng sản xuất

TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh: kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong tổng cầu và quyết định tốc độ tăng trưởng. Từ góc độ đầu tư vốn - một cấu phần quan trọng của tổng cầu, kinh tế tư nhân đóng góp 56% tổng đầu tư toàn xã hội, là tỷ trọng rất cao so với kinh tế nhà nước và khu vực FDI. Chỉ cần đầu tư của kinh tế tư nhân tăng 1% sẽ mang lại mức tăng về giá trị tuyệt đối tương đương với việc đầu tư công phải tăng 2,5% và đầu tư nước ngoài phải tăng 3,5%.

Thế nhưng, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp SME rất khó khăn tiếp cận các vốn vay. TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: vốn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại và không có cách nào khác. Chỉ khoảng 500 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 900.000 doanh nghiệp hiện có huy động vốn trên sàn chứng khoán nhưng ngay cả những doanh nghiệp này vẫn phải dựa vào vốn ngân hàng.

Theo con số thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 30 - 35% doanh nghiệp SME có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là không có tài sản thế chấp đủ điều kiện vay vốn. Đây là bài toán nan giải.

Một số ngân hàng đã triển khai hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai nhưng số lượng hạn chế, chủ yếu mang tính thử nghiệm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng luẩn quẩn: không có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, không thể tích lũy tài sản và tiếp tục khó khăn vay vốn ngân hàng.

Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là nền kinh tế mở, doanh nghiệp Việt dễ chịu ảnh hưởng từ bất định của kinh tế toàn cầu khiến rủi ro ngày càng lớn hơn. Ngân hàng thương mại do vậy sẽ thận trọng cho vay hơn - điều tất yếu để đảm bảo an toàn tín dụng.

Mong muốn của doanh nghiệp SME được tiếp cận các kênh huy động vốn với chi phí hợp lý; đơn giản quy trình, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế
Cần phát triển hệ sinh thái tài chính đa dạng hơn với nhiều kênh huy động vốn cho doanh nghiệp SME

Song, khó tiếp cận vốn, doanh nghiệp có thể mất cơ hội kinh doanh. Ngược lại, thiếu sự linh hoạt để hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ngân hàng thương mại cũng bị ảnh hưởng. Trong một số giai đoạn, với một số nhóm doanh nghiệp, ngân hàng thương mại linh hoạt hơn để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thực tế trên cho thấy, cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng cần thay đổi. Doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch hơn, xây dựng phương án kinh doanh khả thi trong khi ngân hàng cũng cần linh hoạt hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tiếp cận vốn.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, các ngân hàng nên phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với doanh nghiệp SME; thực hiện cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh ổn định, có hợp đồng đầu vào - đầu ra rõ ràng có thể xem xét cho vay mà không cần tài sản thế chấp… Ngoài ra, cần phát triển hệ sinh thái tài chính đa dạng hơn với nhiều kênh huy động vốn khác như tăng quy mô và cải tiến quy trình quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SME dễ dàng tiếp cận vốn hơn; thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp; thúc đẩy các mô hình tài chính thay thế như tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng…

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm: tại Mỹ, 23 triệu doanh nghiệp nhỏ tạo ra một nửa GDP và giải quyết việc làm cho một nửa lực lượng lao động. Vì vậy, nước Mỹ dành ưu tiên đặc biệt vốn cho các doanh nghiệp loại này. Trước đây, nước Mỹ có quỹ cho doanh nghiệp vay nhưng quản lý rất khó. Sau đó, Mỹ đã bàn giao lại cho ngân hàng, chỉ đứng ra bảo lãnh vì phần lớn doanh nghiệp nhỏ không có tài sản đảm bảo; đồng thời mời các chuyên gia về ngân hàng, kế toán đào tạo miễn phí, chuyên sâu cho doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến.

Quỹ bảo lãnh vô điều kiện, doanh nghiệp được bảo lãnh chắc chắn sẽ được ngân hàng cho vay. Mô hình này đã có tại một số quốc gia phát triển khác ở châu Á. Trong đó mô hình ở Nhật Bản được đánh giá là thành công khi có đến 99% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp SME. Hoạt động bảo lãnh tín dụng của Nhật Bản có gần 80 năm dựa trên cơ sở pháp lý cao nhất là luật với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ thông qua việc kết hợp tham gia của Chính phủ, cộng đồng địa phương và các tổ chức do Chính phủ hậu thuẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nút thắt về vốn “trói buộc” doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO