Xu thế phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đang đặt các doanh nghiệp ngành giấy trước yêu cầu cấp bách chuyển đổi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy từ nguyên liệu tái chế trên thị trường ngày càng tăng nhanh; trong đó, có các sản phẩm bao bì. Đây là mặt hàng chủ lực của ngành giấy, đồng thời cũng là sản phẩm phụ trợ trong chuỗi giá trị của nhiều ngành xuất khẩu trọng điểm đang xanh hoá mạnh mẽ như: da giày, đồ gỗ, dệt may, nông sản, điện tử, linh kiện…
Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), thực hiện kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giấy sẽ góp phần tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và năng lượng. Cụ thể, tái chế 1 tấn giấy đã qua sử dụng, tương đương với việc không phải chặt 17-24 cây xanh để làm nguyên liệu sản xuất bột giấy; đồng thời trong quá trình sản xuất tiết kiệm được gần 39 lít nước, khoảng 4.000kWh điện và 605 lít dầu thô. Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cho biết thêm, về nguyên tắc, gần như toàn bộ chất thải của ngành giấy đều có thể tái chế, tái sử dụng nhiều lần theo mục đích và nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do vướng mắc trong cơ chế, chính sách khiến ngành giấy gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh gắn với phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Khó khăn lớn nhất, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA là vấn đề nguyên liệu sản xuất. Hiện, nguồn cung bột giấy trong nước không nhiều, các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu trong điều kiện không có nhiều sự lựa chọn, phần lớn sử dụng bột giấy hoá học tẩy trắng. Các loại bột cơ học, bột nâu, bột có độ trắng thấp, bột hiệu suất cao rất tốt cho việc giảm tiêu thụ tài nguyên chưa được sử dụng nhiều.
Tương tự là nguyên liệu giấy tái chế. Phân tích của đại diện lãnh đạo VPPA cho thấy, doanh nghiệp ngành giấy và một số ngành có tỷ lệ nguyên liệu đầu vào tái chế cao như nhựa đang “mắc kẹt” trong nghịch lý: ở trong nước, do chưa có chính sách khuyến khích đầu tư thu gom tái chế nên hệ thống thu gom giấy qua sử dụng còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả và tỷ lệ thu gom thấp. Đặc biệt, một số quy định hiện hành đang trở thành rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp; điển hình là chính sách thuế VAT đầu vào. Doanh nghiệp thu mua nguyên liệu tái chế để sản xuất từ cá nhân, nhà thu gom cấp 1, cấp 2 nhỏ lẻ nên hầu hết không có hóa đơn.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã cho phép làm bảng kê nhưng quy định tối đa không quá 100 triệu đồng - số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung. Theo tính toán của VPPA, với nhà mấy giấy quy mô trung bình 100 ngàn tấn là đã không có đủ người thu gom để thực hiện bảng kê. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu không có đầu vào, không được hoàn thuế.
Thực trạng trên khiến doanh nghiệp trông cậy vào nguyên liệu tái chế nhập khẩu nhưng việc này không dễ dàng. Ông Đặng Văn Sơn cho biết thêm, hoạt động nhập khẩu bị quản lý rất chặt bởi giấy tái chế được xem là phế liệu chứ không phải là nguyên liệu sản xuất và đòi hỏi rất nhiều loại giấy phép cũng như ký quỹ khá cao, từ 18-20% giá trị lô hàng. Trong khi đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang quản lý giấy thu hồi (OCC) theo tiêu chuẩn như nguyên liệu đầu vào thông thường hay ngay nước lân cận trong ASEAN như Thái Lan đã quản lý thông thoáng hơn nhiều, giá nhập phế liệu cạnh tranh hơn.
Theo VPPA, trong xu thế chuyển đổi xanh hiện nay, ngành giấy đang có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài đặc thù của ngành, nhu cầu của thị trường về sản phẩm giấy làm từ nguyên liệu tái chế tăng; ý thức của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn được nâng cao và đang tiếp cận nhanh tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành, nhất là sản xuất giấy bao bì. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xanh hoá sản xuất, đại diện lãnh đạo VPPA, ông Đặng Văn Sơn kiến nghị Chính phủ hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn một cách đồng nhất, đồng bộ và cụ thể.
Trong đó, có hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành công nghiệp, bao gồm công nghiệp giấy để doanh nghiệp nắm rõ quy định được làm gì hay không được làm gì trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Liên quan đến chính sách thuế VAT, các doanh nghiệp đề xuất cho phép tự đóng thuế VAT thay cho cá nhân, các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó tiến hành hoàn thuế để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc thu mua, tái chế phế liệu. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu gom tái chế nguyên liệu và xem xét nâng mức tiền trong bảng kê cho phù hợp thực tế.
Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện chính sách trên, VPPA kiến nghị cần đưa nguyên liệu OCC ra khỏi diện quản lý phế liệu và được nhập khẩu bình thường như loại nguyên liệu sản xuất thứ cấp để doanh nghiệp đủ nguyên liệu thu gom trong nước, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp ngành giấy tự xử lý chất thải rắn thông thường tại nhà máy để tái sử dụng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách tín dụng xanh và hướng dẫn thực hiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính thuận lợi, đầu tư tốt hơn chuyển đổi xanh.