Việc Nvidia vừa bị Trung Quốc điều tra chống độc quyền có thể là một "cái cớ" cho cuộc cạnh tranh ngành công nghệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một tuần sau khi Mỹ thắt chặt khả năng tiếp cận bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức có đòn trả đũa. Theo đó, Cục Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã điều tra Nvidia - nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ - với lý do nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này.
Cuộc điều tra liên quan tới thương vụ Nvidia mua lại công ty mạng của Israel, Mellanox Technologies. vào tháng 3/2019. Đây được cho là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của Nvidia, giá trị của nó vào khoảng 7 tỷ USD.
Vào tháng 4/2020, SAMR cho biết sẽ thông qua thỏa thuận này với điều kiện Nvidia và Mellanox phải đảm bảo cung cấp liên tục các bộ xử lý đồ họa và thiết bị mạng cho Trung Quốc, cũng như hứa không phân biệt đối xử với khách hàng Trung Quốc.
Để hoạt động và kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, Nvidia phải tuân thủ các quy định và điều kiện do chính phủ Trung Quốc đặt ra. Thỏa thuận năm 2020 cho phép Nvidia yêu cầu dỡ bỏ các điều kiện sau 6 năm.
Tuy nhiên, trong vụ việc gần đây, SAMR không nêu rõ Nvidia có thể đã làm gì sai hoặc lý do vì sao lại đặt vấn đề này sau khi thỏa thuận đã được phê duyệt từ lâu.
Trung Quốc là một thị trường quan trọng của Nvidia, nơi tập đoàn chứng kiến doanh thu tại đây trong bốn quý vừa qua đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 12% tổng doanh thu toàn cầu. Dù vậy, tỷ lệ này đã giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế Nvidia bán các con chip tiên tiến nhất cho khách hàng Trung Quốc.
Theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, các tổ chức vi phạm có thể bị phạt lên tới 10% doanh thu từ năm trước đó. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã phạt các công ty Mỹ như Thermo Fisher Scientific và Western Digital sau khi phát hiện họ vi phạm các điều kiện liên quan đến các thỏa thuận mua lại.
Với những lý do có phần mù mờ, các nhà quan sát đang dự đoán Nvidia có thể là nạn nhân bất đắc dĩ giữa cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ ngày càng gay gắt hơn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc phù hợp với một chiến thuật sử dụng các cuộc điều tra của chính phủ để bày tỏ sự không hài lòng với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Với vụ việc Nvidia, thông điệp gửi tới Mỹ vẫn là Trung Quốc sẽ không đứng yên khi bị nhắm đến bởi các lệnh trừng phạt thương mại và công nghệ, nhất là trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Vào ngày 02/12, Mỹ công bố các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn việc bán các chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) tiên tiến cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc. Khoảng 140 công ty Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và phần mềm, đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Trung Quốc lép vế trước Mỹ bởi phần lớn công nghệ sản xuất chip của thế giới liên quan đến các công ty và phát minh của Mỹ. Các công ty chip Trung Quốc đã cố gắng thích nghi bằng cách tìm giải pháp thay thế trong sản xuất và tăng cường nội địa hóa các con chip trí tuệ nhân tạo.
Để phản ứng, Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất chip tiên tiến và thiết bị quân sự. Đồng thời, bốn hiệp hội ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc đã cảnh báo các công ty không nên mua chip của Mỹ. Dù vậy, Bắc Kinh hiểu rằng tìm được nguồn cung thay thế Nvidia hiện nay gần như bất khả thi, và các biện pháp đối phó có thể phản tác dụng khi khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc xa hơn.
Mặc dù bị hạn chế bởi các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, Nvidia vẫn duy trì hoạt động kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc. Công ty đã phải điều chỉnh hạ cấp các sản phẩm để vừa tiếp tục phục vụ khách hàng Trung Quốc vừa tuân thủ các quy định của Mỹ. Ngoài ra, một số khách hàng Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận chip của Nvidia thông qua các bên môi giới thứ ba để sử dụng năng lực tính toán ở nước ngoài.
Tháng trước, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã nói với lãnh đạo Nvidia rằng Trung Quốc hoan nghênh sự hiện diện của công ty và cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các công ty nước ngoài. Lãnh đạo của Nvidia cũng nói rằng Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với công ty và hứa sẽ tiếp tục tăng cường giao tiếp với các đối tác Trung Quốc.
Những động thái của Trung Quốc có thể tạo tiền đề cho một thỏa thuận lớn với chính quyền Mỹ mới, theo Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group. Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi nếu đội ngũ của ông Trump sẵn sàng đàm phán.