OECD và VCCI mở đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững ở ASEAN

TRƯỜNG ĐẶNG 26/10/2023 16:56

“Mạng lưới kinh doanh OECD-Đông Nam Á" đã trở thành không gian để Việt Nam và các nước ASEAN khác nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư phát triển bền vững.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện thuộc Mạng lưới Doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện thuộc Mạng lưới Doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á

Hội nghị bàn tròn kinh doanh và đối thoại chính sách công tư của OECD tại Hà Nội

Ngày 26/10 tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã phối hợp với VCCI tổ chức “Hội nghị bàn tròn kinh doanh và Đối thoại chính sách công-tư” trong khuôn khổ  Mạng lưới doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á 2023. Tại đây, các nhà hoạch định, các chuyên gia và doanh nghiệp đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tế của họ về những thách thức phải đối mặt trong đầu tư bền vững.

Tham dự sự kiện có ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Bernardino Moningka Vega, Chủ tịch luân phiên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC), ông Phil O’Reilly, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp OECD (BIAC) đồng thời là Đồng Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp OECD – Đông Nam Á, cùng hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp các nước OECD và khu vực Đông Nam Á.

ASEAN BAC và BIAC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo khuôn khổ cho tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp OECD – Đông Nam Á

ASEAN BAC và BIAC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo khuôn khổ cho tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp OECD – Đông Nam Á

Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu: “Sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu kéo theo những tác động tiêu cực vô cùng lớn đến sự phát triển và sinh tồn của hành tinh. Các hành động khí hậu đã trở nên định hướng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, khu vực. Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức doanh nghiệp phải có trách nhiệm và nỗ lực để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải bền vững, là một trong những mục tiêu quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của các quốc gia.”

Tại phiên tọa đàm đầu tiên, dưới sự điều phối của Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã được nghe báo cáo Nền kinh tế xanh 2023 của Bain & Co, qua đó làm cơ sở để thảo luận những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực đầu tư bền vững và bối cảnh tại Đông Nam Á trong những năm qua.

Tại Đối thoại Chính sách Công - Tư: Đầu tư Bền vững, các doanh nghiệp đã được lắng nghe chia sẻ của những nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp thảo luận về các sáng kiến và công cụ chính sách cụ thể có thể được áp dụng.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh điều phối phiên thảo luận thứ nhất tại sự kiện

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh điều phối phiên thảo luận thứ nhất tại sự kiện

Phiên họp dựa trên một số đối thoại về chính sách công-tư do GIZ Đức thực hiện với sự hợp tác của Ban Thư ký ASEAN để khám phá tiềm năng của các tổ chức thuộc khu vực tư nhân đối với chuyển đổi xanh.

OECD trong thúc đẩy ASEAN hướng tới kinh tế xanh

ASEAN là nền kinh tế lớn thứ ba ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với tổng GDP là 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Dự báo tăng trưởng của ASEAN vào khoảng 4.7 – 5% trong những năm tới cho thấy tiềm năng kinh tế  lớn của khu vực.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng đó, các quốc gia đã xác định cần thu hút đầu tư bền vững như một động lực chủ đạo. Được định nghĩa là “đầu tư khả thi về mặt thương mại, đóng góp tối đa cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của nước sở tại và diễn ra trong khuôn khổ cơ chế quản trị công bằng”, đầu tư bền vững sẽ góp phần quan trọng giúp các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu, đầu tư bền vững càng trở nên quan trọng và được quản lý chặt chẽ hơn trong những năm tới. Ở Đông Nam Á, đã có ngày càng nhiều quốc gia đang đưa ra quy định về bền vững chặt chẽ hơn, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin rõ ràng và chi tiết hơn về các công bố ESG dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Mạng lưới Doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á với mục đích tăng cường hợp tác kinh doanh và thương mại giữa các doanh nghiệp OECD và ASEAN

Mạng lưới Doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á với mục đích tăng cường hợp tác kinh doanh và thương mại giữa các doanh nghiệp OECD và ASEAN

Từ năm 2014, OECD và ASEAN đã hợp tác chặt chẽ để thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 thông qua Chương trình Khu vực Đông Nam Á (SEARP). Nhằm hỗ trợ khu vực ở các vấn đề ưu tiên nội địa, cải cách chính sách và nỗ lực hội nhập khu vực, SEARP được xây dựng để khuyến khích trao đổi kinh nghiệm một cách có hệ thống nhằm phát triển các giải pháp chung cho các thách thức khu vực và toàn cầu.

Là một phần của SEARP, Mạng lưới Doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á với mục đích tăng cường hợp tác kinh doanh và thương mại thông qua xác định những trở ngại cũng như cơ hội để xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp ASEAN và OECD. Thông qua sự kết nối, các doanh nghiệp ASEAN và cộng đồng doanh nghiệp OECD có thể tiếp cận thêm các góc nhìn, mạng lưới quốc tế rộng hơn và không gian để trao đổi ý tưởng cũng như thông lệ về các chủ đề quan tâm.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia

    VCCI ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn các Phòng Thương mại Saudi Arabia

    14:38, 20/10/2023

  • VCCI gặp mặt mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

    VCCI gặp mặt mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

    18:01, 19/10/2023

  • Nền tảng vững chắc cho doanh nhân và VCCI

    Nền tảng vững chắc cho doanh nhân và VCCI

    17:16, 19/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới

    Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới

    03:14, 20/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
OECD và VCCI mở đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững ở ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO