Hơn 1 năm được Thế Giới Di Động góp vốn, chuỗi nhà thuốc An Khang hoạt động tỏ ra kém hiệu quả khi lỗ lũy kế gần 2,6 tỷ đồng. Tham vọng mở 500 cửa hàng dược phẩm của ông Nguyễn Đức Tài có dừng lại?
Không phải mảng kinh doanh nào cũng mang lại doanh thu, lợi nhuận nghìn tỉ, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa công bố của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) có một khoản lỗ từ chuỗi nhà thuốc An Khang.
Lỗ tới 2,6 tỷ đồng
Năm 2017, Thế Giới Di Động chính thức bước chân vào lĩnh vực dược phẩm khi mua lại chuỗi nhà thuốc của Công ty CP Bán lẻ An Khang. Doanh nghiệp bán lẻ này mở cùng lúc nhiều cửa hàng và tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực dược phẩm.
Đến năm 2018, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II, những con số chính thức liên quan vụ chuyển nhượng giữa Thé Giới Di Động và chuỗi nhà thuốc An Khang được tiết lộ. Theo đó, Thế Giới Di Động đã chi khoảng 62 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Bán lẻ An Khang.
Báo cáo tài chính này cũng cho biết chỉ sau nửa năm hoạt động, chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi được Thế Giới Di Động nhận chuyển nhượng đã lỗ lũy kế tổng cộng 734 triệu đồng.
Tuy nhiên, con số lỗ này vẫn còn rất nhỏ so với kết quả kinh doanh 6 tháng còn lại của năm 2018. Khoản lỗ tính đến cuối năm 2018 của Thế Giới Di Động đầu tư vào Công ty CP Bán lẻ An Khang lên 2,1 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong nửa cuối năm 2018, chuỗi nhà thuốc An Khang này đã tiêu mất gần 1,4 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Thế Giới Di Động vừa công bố cho biết trong nửa đầu năm nay, khoản đầu tư vào chuỗi An Khang cũng tiếp tục âm thêm 500 triệu đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên con số 2,6 tỉ đồng.
Bước “thử nghiệm” đau đớn?
An Khang là một trong những hạng mục đầu tư của Thế Giới Di Động. Chuỗi này đang nắm 49% cổ phần của An Khang, vốn trước đó có tên là Phúc An Khang. Theo báo cáo, Thế Giới Di Động chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch và đồng sáng lập tập đoàn Thế Giới Di Động, trước đây khi nói với các nhà phân tích chứng khoán cho biết sẽ thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm. Thay vì đầu tư ngay từ bán đầu, Thế Giới Di Động sẽ đi theo hướng mua bán và sáp nhập (M&A), để rút ngắn thời gian 2-3 năm tìm hiểu về mô hình.
Có thể bạn quan tâm
16:50, 16/11/2017
06:18, 10/05/2019
16:15, 03/05/2019
22:26, 11/03/2019
19:00, 11/03/2019
Ngoài ra, trong một buổi phỏng vấn gần đây với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động. Và Thế Giới Di Động hầu như không can thiệp vào điều hành mà chỉ hỗ trợ một phần cho dự án khởi nghiệp này.
Và cũng tương tự các chuỗi đang kinh doanh hiệu quả như chuỗi điện thoại Thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, với nhà thuốc, ông Tài cũng kì vọng sẽ phát triển lên con số khoảng 500 cửa hàng khi thấy thời điểm chín muồi.
Đánh giá mảng dược phẩm có nhiều tiềm năng khi trên thị trường chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm đến 20% thị phần, nên mới quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi bước chân vào thị trường dược phẩm, tại Đại hội cổ đông năm 2018, ông Nguyễn Đức Tài thông tin với cổ đông không mua "đứt" 51% vốn tại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang mà sẽ chỉ mua lại tối đa 40% vốn của chuỗi dược phẩm này, để đánh giá lại rủi ro. Tuy nhiên, chuỗi An Khang vẫn được dùng thương hiệu, logo của Thế Giới Di Động để tạo niềm tin với khách hàng.
Thực tế từ cuối 2017, Phúc An Khang đã giải thể và thay đổi thương hiệu cùng với việc mở cửa hàng đầu tiên với logo của Thế Giới Di Động.
Ngoài liên tục lỗ, hiện chuỗi dược phẩm An Khang qua 2 năm Thế Giới Di Động đầu tư chỉ mới có 19 cửa hàng và tập trung tại TP HCM, chưa mở rộng thêm tại thị trường lớn nào.
"Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Tài nói.
Quan trọng hơn cả, ông Tài cho rằng quy mô bán lẻ dược phẩm vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Trong khi đó, thị trường hàng tiêu dùng lớn hơn nhiều nên chuỗi này phải dốc sức đầu tư vào Bách hoá Xanh, không muốn và không đủ nguồn lực phát triển mạnh hơn chuỗi An Khang.