Một thời tung hoành là “ông hoàng sá xị” cạnh tranh cùng Cocacola và Pepsi, Chương Dương vừa bất ngờ báo lỗ sau hàng chục năm lãi trên triệu đô.
Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) được biết tới là chủ sở hữu của thương hiệu nước ngọt con cọp nổi tiếng một thời của người dân miền Nam. Từng thống lĩnh thị trường nước ngọt rộng lớn phía Nam nhưng trước sức ép cạnh tranh rất lớn đến từ những đối thủ ngoại, "ông vua" nước giải khát một thời Chương Dương đã phải báo lỗ sau hơn một thập niên.
"Ông vua" nước giải khát sá xị một thời
CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Sá xị đầu tiên tại Sài Gòn có nhãn hiệu hình con cọp nên còn gọi là "sá xị con cọp" nên hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này. Đây được xem như thời hoàng kim của sá xị Chương Dương.
Năm 1993, nhà máy được đổi tên thành công ty Nước giải khát Chương Dương và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004 và niêm yết tại HOSE 2 năm sau đó.
Kết quả kinh doanh của Chương Dương bắt đầu sụt giảm khi thị trường xuất hiện những ông lớn nước giải khát như Coca-Cola và Pepsi... Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas, và thị phần, lợi nhuận của Chương Dương cũng bị thu hẹp.
Đối mặt với thực tế này, thương hiệu sá xị hơn 40 năm tuổi liên tiếp “phản đòn” bằng chính sách giảm giá sản phẩm và tăng chiết khấu thương mại cho nhà phân phối. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty thừa nhận việc này chỉ mang lại tác dụng tích cực trong ngắn hạn là hoàn thành chỉ tiêu sản lượng và lợi nhuận, nhưng chưa đủ giúp công ty phát triển ổn định và bền vững.
Chiến lược phân phối và bán hàng tồn tại nhiều lỗ hổng cũng là một trong những điểm yếu cốt tử của Chương Dương. Đơn cử như việc công ty chỉ tập trung cho một số nhà phân phối mà lơ là mở rộng thị trường, thiết lập mạng lưới điểm bán hàng. Số lượng và ngân sách dành cho nhân viên tiếp thị tăng dần đều trong những năm gần đây nhưng hiệu quả hoạt động lại tương đối mờ nhạt.
Lỗ là điều hiển nhiên?
Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 công bố mới đây của Chương Dương, sau nhiều năm báo lãi hàng chục tỷ đồng, lần đầu tiên, ông chủ thương hiệu nước ngọt con cọp đã phải báo kết quả lỗ ròng.
Theo đó, năm 2017, Chương Dương chỉ ghi nhận 339 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với năm trước. Điều xấu hơn còn đến với ông vua nước ngọt một thời khi Chương Dương phải đối mặt với khoản lỗ ròng 2,2 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn lãi gần 31 tỷ.
Năm 2016, công ty báo lãi gần 31 tỷ đồng và hạch toán vào khoản lãi lũy kế của công ty thì đến năm nay, sau khi báo lỗ ròng 2,2 tỷ, công ty đã phải ghi nhận toàn bộ khoản lỗ này vào chỉ số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ lợi nhuận công ty có được từ những năm trước đó đều đã được chia cổ tức và không có khoản lợi nhuận để lại đề phòng rủi ro hoặc phát triển.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm sút trong năm vừa qua là sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 7,1 triệu lít, giảm tới 49% cùng kỳ đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu thu về. Dù đã giảm tới 40% chi phí nhưng con số giảm này vẫn kém đà giảm của doanh thu khiến lợi nhuận công ty xuống dưới 0.
Khó khăn của Chương Dương, cũng như nhiều doanh nghiệp truyền thống khác là việc chậm thích nghi với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như hạn chế vốn đầu tư. Hiện, công ty vẫn vật lộn với công nghệ sản xuất từ những năm 2000 nên nhiều sản phẩm muốn tung ra thị trường số lượng lớn đều phải thuê gia công bên ngoài. Điều này khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Trong khi đó, bản thân quyết sách của công ty cũng có nhiều lỗ hổng. Vốn là thương hiệu lớn với dòng sá xị, song Chương Dương không phát huy được lợi thế này mà liên tục để mất thị phần và các kênh phân phối vào tay đối thủ. Các thương hiệu đồ uống lớn luôn tìm cách đẩy mạnh triển khai các kênh bán hàng và mở rộng mạng lưới phân phối, thì Chương Dương vẫn đi theo theo những cách thức "xưa cũ" là tập trung vào các đại lý.
Theo một số phân tích, ngành nước giải khát Việt Nam có tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8-12%/năm, nhưng doanh thu và lợi nhuận gộp của Chương Dương hầu như không thay đổi trong ít nhất 5 năm gần đây. Kết quả đạt được năm 2017 chỉ tương đương với giai đoạn cách đây 7 năm, thậm chí còn thấp cùng kỳ năm trước. Từ khi niêm yết đến nay, vốn chủ sở hữu của Chương Dương vẫn giữ nguyên ở mức 85 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại hàng năm phần lớn dành để chia cổ tức, khiến ngân sách đầu tư ngày càng eo hẹp. Thậm chí khoản chi dành cho bán hàng và tiếp thị cũng rất hạn chế so với những doanh nghiệp cùng ngành. Trong khi đó, các hãng nước giải khát nước ngoài thường xuyên đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để chèn ép doanh nghiệp nội địa. Năm 2016, công ty phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, kéo theo doanh thu chỉ hoàn thành 89% kế hoạch đề ra.
Hiện, công ty mới xây dựng được hệ thống hơn 400 đại lý phân phối và vài nghìn điểm bán hàng tập trung chủ yếu tại khu vực TP HCM và các tỉnh miền Tây. Trong chiến lược kinh doanh mới được đưa ra, Chương Dương cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm không gas và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với thị trường trong nước và khu vực. Tuy nhiên, với kết quả thua lỗ vừa ghi nhận năm 2017, thách thức của doanh nghiệp hơn 40 năm tuổi này không phải bài toán dễ giải quyết.