Ngân hàng Nhà nước mới đây chính thức quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Lệnh giữ chức Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2022
Cụ thể, ngày 28/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Tiến Dũng đã trao Quyết định 2088/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ký, bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Lệnh giữ chức Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2022.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, sinh năm 1969, cử nhân Kinh tế của Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Đà Nẵng, có 22 năm làm việc tại NHNN chi nhánh TP.HCM.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh làm Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ NHNN chi nhánh TP.HCM, kiêm Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy khối Ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, ngày 30/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký quyết định giao cho ông Trần Đình Cường phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM từ ngày 01/12, sau khi ông Nguyễn Hoàng Minh nghỉ hưu.
Ông Trần Đình Cường sinh năm 1964, có 35 năm công tác trong ngành ngân hàng. Ông Cường được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM từ năm 2013. Trước đó ông là Trưởng phòng tin học Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Ông Nguyễn Hoàng Minh là Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM từ ngày 15-3 năm nay, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ban hành quyết định về việc cho thôi giữ chức vụ và thôi việc theo nguyện vọng với ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Ngoài ông Nguyễn Hoàng Minh, bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng về hưu từ ngày 01/12.
Như vậy, kể từ khi ông Tô Duy Lâm thôi giữ chức vụ và thôi việc theo nguyện vọng, đến nay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã chính thức có Phó giám đốc phụ trách và một tân Phó Giám đốc là ông Nguyễn Đức Lệnh.
Năm 2021, TP Hồ Chí Minh là địa bàn có thời gian giãn cách xã hội kéo dài do dịch bệnh, vì vậy chịu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội. Trong bối cảnh cả nước ước tăng trưởng GDP đạt 2,58%, TP HCM ước tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2021 âm 6,78% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức giảm sâu nhất trong lịch sử thành phố. Tuy nhiên theo Cục Thống kê TP HCM cho biết, dù tăng trưởng âm, TP vẫn thu ngân sách vượt dự toán hơn 5%, nhờ một phần nguồn thu khá từ các hoạt động chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất... Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn vẫn tiếp tục tích cực.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM ước tính đến đầu tháng 11/2021, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tăng 6,7% so với cuối năm 2020. Ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế của Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 của NHNN đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng giá trị nợ gồm: cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp.
Đồng thời, cũng theo NHNN chi nhánh TP.HCM, chương trình tín dụng cho vay các lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Tín dụng đã và đang tiếp sức cho sự phục hồi của doanh nghiệp và lấy lại đà tăng trưởng GRDP trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm