“Ông trùm” VNPT “nhận lệnh” cổ phần hóa

Nguyễn Việt 22/08/2019 00:02

Trong danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhóm 62 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ có VNPT.

"Chốt" năm 2018, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt tổng doanh thu toàn tập đoàn là 154.210 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất là 55.730 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 6.445 tỷ đồng vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.

 VNPT và Mobifone nhận hạn chót cổ phần hóa vào năm 2020.

VNPT nhận hạn chót cổ phần hóa vào năm 2020.

Theo báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019 được VNPT công bố cuối tháng 3/2019, tập đoàn này đặt mục tiêu năm 2019 đạt 166.320 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất là 56.784 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.090 tỷ đồng, nộp ngân sách 4.926 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư là 12.200 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phần hoá DNNN: Quy trách nhiệm "người đứng mũi chịu sào" liệu có hiệu quả?

    03:22, 21/08/2019

  • Lo ngại tiêu cực cổ phần hóa DNNN

    10:48, 01/06/2019

  • Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa DNNN chưa đạt yêu cầu

    18:40, 04/05/2019

  • Cổ phần hóa DNNN: Tài sản thất thoát đủ kiểu

    13:45, 27/01/2019

Trước đó, có tên trong danh sách cổ phần hoá trong năm 2019, VNPT đáng ra phải hoàn tất xác định giá trị doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Nhưng theo lãnh đạo tập đoàn, việc sắp xếp nhà đất chưa xong, mới thực hiện được 95,8%, nên chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hoá, nghĩa là chưa có cơ sở để xác định chi phí cổ phần hoá để thuê tư vấn cổ phần hoá. Với tiến độ này, khả quan nhất thì phải đến 31/12/2020 mới xác định giá trị doanh nghiệp, tức là phải sang năm 2021 mới cổ phần hoá.

VNPT kiến nghị dãn tiến độ cổ phần hóa để phù hợp với tình hình triển khai thực tế. Phía VNPT cho biết đã trình phương án sử dụng đất từng phần, đang tiếp tục phần còn lại. Tập đoàn này đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm thành lập ban chỉ đạo và hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất.

Nói về nguyên nhân chính làm chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), là do những vướng mắc về tài chính và đất đai. Trong số doanh nghiệp cần cổ phần hóa giai đoạn này có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn nên tài chính phức tạp, lại sở hữu nhiều đất đai ở nhiều nơi. Trong khi đó, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

"Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất sát sao chỉ đạo thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Cổ phần hóa và quản lý đất đai gắn với nhau. Nhưng đất đai lại thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương chậm công bố quy hoạch đất, chậm ban hành bảng giá đất thì doanh nghiệp không có căn cứ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước về đất đai, cũng chưa thể tính được đúng và đủ giá trị đất đai để định giá giá trị doanh nghiệp”, ông Tiến phân tích.

Vẫn theo ông Tiến, tại nhiều doanh nghiệp, đất đai hiện là nhà xưởng, nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, nơi đó xây cao tầng… thì giá trị chênh lệch quá lớn khi đó Nhà nước sẽ bị thiệt lớn. Nên khi chưa rõ quy hoạch, không dám định giá đất vào giá trị doanh nghiệp ngay, vì vậy cứ phải chờ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các phương án xin lùi cổ phần hóa và thoái vốn  tiếp tục được thông qua mà thiếu sự rà soát kỹ lưỡng, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tổ chức, thì điệp khúc “xin lùi” sẽ tiếp tục và tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn sẽ lại lỡ hẹn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhận xét, cổ phần hóa chậm là một căn bệnh khó chữa những năm gần đây. "Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới chỉ là khẩu hiệu, chưa thấy công bố trường hợp nào bị cách chức khi không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa tại đơn vị mình quản lý, lãnh đạo", ông Doanh chỉ rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Ông trùm” VNPT “nhận lệnh” cổ phần hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO