Hàng loạt chỉ số thương mại quan trọng liên quan đến Trung Quốc cho thấy kế hoạch của Tổng thống Trump khó thành hiện thực.
Ngày 24/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bất ngờ thể hiện giọng điệu nhẹ nhàng rằng: “mức thuế 145% hiện tại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là rất cao và sẽ không cao đến vậy! Không, nó sẽ không cao đến mức đó. Nó sẽ giảm đáng kể. Nhưng sẽ không bằng không”.
Về phần mình, Trung Quốc đã hoan nghênh các cuộc đàm phán, nhưng không nhượng bộ bất kỳ lập trường nào. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói: “Chúng tôi không muốn chiến đấu, nhưng chúng tôi không sợ. Nếu chúng tôi chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng; nếu chúng tôi đàm phán, cánh cửa sẽ rộng mở”.
Về lý thuyết, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không muốn xảy ra cuộc chiến tranh thương mại, nhưng nếu bàn đàm phán được bày ra, đôi bên có quá nhiều các bất đồng về mặt kỹ thuật ngôn ngữ. Nói tóm lại, hai cường quốc không thể vượt qua những mâu thuẫn chi tiết để có thể đạt được kết quả tổng thể.
Các chuyên gia tâm lý thị trường cho rằng, điều thiếu vắng lớn nhất ở đây là “niềm tin”. Washington lo lắng về an ninh quốc gia, sợ mất quyền kiểm soát hệ thống thương mại toàn cầu, lo ngại phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Do vậy, loạt biện pháp bao gồm thuế quan không gì khác ngoài mục đích kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Cũng chính vì thế, Bắc Kinh luôn cho rằng Hoa Kỳ đã hành xử “không công bằng”, luôn ép buộc nước này rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn.
Tuy nhiên, hàng loạt con số thương mại đã chứng minh cho xu hướng lựa chọn Trung Quốc là đối tác thương mại không thể quan trọng hơn. Năm 2018, ông Trump đã áp thuế 15% đối với hơn 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm giày dép, đồng hồ thông minh và TV màn hình phẳng.
Kể từ đó, Hoa Kỳ buộc phải nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa từ đối tác ngoài Trung Quốc. Đây mới là nguyên nhân chính làm mất cân bằng cán cân thương mại mà ông Trump luôn luôn đinh ninh rằng “nước Mỹ bị lợi dụng”.
Rõ ràng, doanh nghiệp Mỹ lựa chọn đối tác có thể cung ứng hàng hóa tối ưu nhất cho người tiêu dùng. Tuyệt nhiên, điều họ quan tâm là lợi nhuận, chứ không phải đối tác có thể mua lại bao nhiêu để đạt được sự cân bằng.
Hơn nữa, theo phân tích của Viện Lowy, khi Trung Quốc gia nhập WTO, hơn 80% các quốc gia có nhiều hoạt động thương mại hai chiều với Hoa Kỳ hơn là với Trung Quốc. Con số này đã giảm xuống chỉ còn 30% vào năm 2018, thời điểm ông Trump áp thuế đầu tiên đối với Trung Quốc.
Xu hướng tách rời Hoa Kỳ mạnh lên kể từ đó. Năm 2018, 139 quốc gia giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ. Đến năm 2023, con số đó đã tăng lên 145 và khoảng 70% nền kinh tế thế giới hiện giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ - tăng từ chỉ 15% vào năm 2001.
Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho rằng “ông Trump dường như không hiểu được tầm quan trọng của dòng chảy thương mại của Trung Quốc. Hơn nữa, ông ấy không đưa ra nhiều ưu đãi, chẳng hạn như đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, tôi không nghĩ ông ấy sẽ đạt được điều mình muốn”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng là rất lớn đối với hầu hết các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ, việc tách rời là hầu như không thể.
Thật vậy, trên toàn thế giới, hàng hóa Trung Quốc đã trở thành nguồn nhập khẩu tối quan trọng của nhiều quốc gia. Ví dụ, Liên minh châu Âu đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc trị giá 396 tỷ euro (432 tỷ đô la) vào năm 2022, tăng từ 145 tỷ euro (165 tỷ đô la) vào năm 2016.
Hàng hóa Trung Quốc là động lực cho nhiều nền kinh tế mới nổi, từ Bangladesh, Campuchia đến Nigeria và Saudi Arabia. Đặc biệt với những quốc gia ở Nam Bán cầu, nếu ông Trump càng gây sức ép thì các quốc gia này càng dễ đứng về phía Trung Quốc.