Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố vì bán rẻ "đất vàng"?

PV 10/07/2020 21:48

Liên quan đến sai phạm tại Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị khởi tố.

Theo đó, ngày 10/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ông Vũ Huy Hoàng.

Ông Vũ Huy Hoàng.

Được biết những vi phạm của ông Hoàng có liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cụ thể hơn, ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố có liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng có diện tích hơn 6.000 m2, được biết đến với vị trí đắc địa tại trung tâm Q.1, TP HCM, với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ). Khu đất này dự kiến sẽ được xây dựng thành Dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, năm 2015, Sabeco lập ra CTCP Đầu tư Sabeco Pearl. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%), Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty Cổ phần Attland (23%) và Sabeco (26%).

Đến tháng 6/2016, Sabeco thoái vốn theo hình thức đấu giá bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ (26% vốn điều lệ) cho các cổ đông sáng lập khác.

Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Attland. Sau đấu giá, Attland đã nắm 49% cổ phần tại Sài Gòn Pearl, 51% còn lại được chia đều cho 2 thành viên sáng lập còn lại là Công ty Hà An và Công ty Mê Linh.

Đến tháng 10/2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Vốn điều lệ được nâng lên gần 1.020 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Nguyễn Như Pho lên làm Chủ tịch HĐQT. Đúng 1 tháng sau (tháng 11/2016), ông Nguyễn Như Pho bị thay bởi ông Ngô Văn An. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh mới thì ông Ngô Văn An sinh năm 1977.

Ông Ngô Văn An là một cái tên hoàn toàn mới lạ thâu tóm “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco. Thời điểm đó, ông Ngô Văn An còn đứng tên của hàng loạt doanh nghiệp nghìn tỷ khác như Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh Square; Công ty cổ phần đầu tư Trade Wind; Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill; Công ty TNHH quản lý tài sản & BĐS Alpha King; Công ty cổ phần quản lý phát triển dự án Đông Sài Gòn.

Trong các doanh nghiệp mà ông Ngô Văn An đứng tên, đáng chú ý có Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh Square, vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. Ông Ngô Văn An là Chủ tịch HĐQT nhưng không phải là cổ đông sáng lập cũng không có cổ phần tại Công ty Mê Linh Square. Ba cổ đông sáng lập của Mê Linh Square gồm Trương Kiến Anh (chiếm 30%), Diệp Nhâm Quang Vinh (chiếm 30%) và Trương Thôi Chánh (40%).

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill thành lập vào tháng 1/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm các ông: Bùi Đức Dũng (40%), Tất Thành Chí (30%) và Lương Minh Hán (30%).

Tháng 11/2017, Golden Hill sáp nhập với Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngân Bình và tăng vốn điều lệ lên 2.798 tỷ đồng. Cùng với việc sáp nhập công ty, các cổ đông Bùi Đức Dũng, Tất Thành Chí và Lương Minh Hán thoái sạch vốn, ông Ngô Văn An lên làm Tổng giám đốc Golden Hill.

Đầu năm 2018, ông Ngô Văn An không còn là người đại diện pháp luật của Golden Hill, thay vào đó là ông Chan Min Simon. Chan Min Simon được biết đến là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Alpha King Việt Nam.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng.

Theo đó, ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016. Cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm gồm:

Thứ nhất, thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Thứ hai, thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chánh văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Thứ ba, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.

Thứ tư, chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.

Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.

Tại văn bản số 106/QĐ-TTg ngày 24/1/2017, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ này và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 388-QĐNS/TW ngày 3/11/2016.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 41, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương....

Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953, có bằng tốt nghiệp của Học viện Mỏ - Luyện kim Preiberg, Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1987, ông trở thành cán bộ biệt phái tại Ủy ban Kinh tế đối ngoại, từ đó thăng tiến dần trong Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và sau đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trở thành một trong những cán bộ nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Năm 1997, khi 44 tuổi, ông trở thành thứ trưởng bộ này, đồng thời lấy xong bằng tiến sỹ kinh tế. Năm 2003, ông trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, sau đó là quyền Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, quyền Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lạng Sơn.

Tiếp đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trở thành Bộ trưởng Bộ Công Thương năm 2007.

Tháng 4/2016, ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Hồi đầu năm 2017, tại văn bản số 106/QĐ-TTg ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 388-QĐNS/TW ngày 3/11/2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố vì bán rẻ "đất vàng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO