Kết quả PCI 2019 cho thấy mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo quy mô doanh nghiệp. Trong khi đó, xu hướng nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng đã giảm bớt.
Sáng 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.
Xu hướng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm bớt
Thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp FDI.
Tháng 2/2017, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020; Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm ngăn chặn các hoạt động thanh kiểm tra không cần thiết, chồng chéo, thừa gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các mục tiêu cụ thể hơn; Cuối năm 2018, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Năm 2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Tại lễ công bố, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo quan sát của nhóm nghiên cứu các tác động tích cực ban đầu của loạt nghị quyết nêu trên trong năm 2017 và 2018; và những tác động này vẫn duy trì cho đến nay trong phạm vi nhất định.
Bước tiến lớn thể hiện rõ ở tỷ lệ doanh nghiệp FDI có lãnh đạo phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính đã giảm từ mức 70% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016 xuống 66,2% năm 2017 và chỉ còn 41,3% năm 2018.
Kết quả này cũng phù hợp với xu hướng giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp bị nhũng nhiễu – được định nghĩa là doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 lần trở lên mỗi năm – đã giảm từ 24% năm 2016 xuống 9,3% năm 2019.
Mức độ lạc quan và triển vọng kinh doanh tăng lên
Tương tự như những năm trước, kết quả Điều tra PCI 2019 cho thấy mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo quy mô doanh nghiệp.
“Trong khi nhóm doanh nghiệp có số vốn từ 200 tỷ đồng trở lên có tỷ lệ sẽ mở rộng hoạt động lên tới 69%, thì tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng là 45%.
Xu hướng này cũng có thể quan sát theo quy mô lao động của doanh nghiệp, 65% doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên cho biết sẽ mở rộng quy mô hoạt động, trong khi đó tỷ lệ này với nhóm doanh nghiệp sử dụng ít hơn 10 lao động chỉ gần 45%”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
"Lưu ý rằng trong Báo cáo PCI 2019, chúng tôi dự báo triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên số liệu thu thập vào quý 2 và quý 3 năm 2019, khá lâu trước thời điểm virus corona bùng phát vào tháng 1 năm 2020.
Kể từ đó, đại dịch toàn cầu này đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ. Bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam cũng như cả thế giới sẽ thay đổi rất nhanh chóng theo chiều hướng tiêu cực hơn". - ông Đậu Anh Tuấn nói.
“Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trên đây, do quy mô vốn và khả năng tiếp cận vốn có tương quan đáng kể với kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất từ tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh. Trong báo cáo PCI 2020, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tế sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch mở rộng hoạt động của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:47, 05/05/2020
10:56, 05/05/2020
10:13, 05/05/2020
09:30, 05/05/2020
11:00, 04/05/2020
Tựu chung lại, kết quả điều tra PCI 2019 cho thấy một bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh Việt Nam. Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm vừa qua tiếp tục duy trì đà cải thiện. Điểm PCI bình quân đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh đứng đầu đã tăng điểm số, khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng với nhóm tỉnh đứng trên tiếp tục xu hướng thu hẹp. Chất lượng hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân đang dần bình đẳng hơn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo hơn và thủ tục hành chính đang thay đổi theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thực chất hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp dân doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang đối mặt với các khó khăn về khách hàng, vốn và nhân lực phù hợp...
“Tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực hiện các dự án liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng vẫn rất cao và mức độ rất phổ biến. Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần có những biện pháp chính sách kịp thời và hiệu quả hướng đến tháo gỡ các khó khăn nêu trên và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Báo cáo PCI được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát và công bố định kỳ hàng năm trong 15 năm qua. Sản phẩm quan trọng nhất của PCI, theo ông Vũ Tiến Lộc, không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. Từ các báo cáo PCI, câu chuyện cải cách được chia sẻ giữa các địa phương. Mô hình "cà phê Doanh nhân" "sự chụm đầu" thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp tại 40 tỉnh, thành phố. Các mô hình cải cách khác như trung tâm dịch vụ hành chính công, trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), bác sĩ doanh nghiệp… cũng lan tỏa giữa các địa phương. Báo cáo PCI là khảo sát cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về mức độ cải cách của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cả nước hiện có gần 800 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế. |