Quảng Ninh với 73,2 điểm, đứng thứ 2 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 1,95 điểm so với năm 2023.
Với 73,2 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu, xếp vị trí thứ 2 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định công tác cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược và phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Thực hiện mục tiêu này từ năm 2020 đến nay, các chỉ số này của tỉnh luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó chỉ số PCI và SIPAS 4 lần dẫn đầu cả nước, chỉ số PAR Index 2 lần đứng thứ nhất bảng xếp hạng, chỉ số PAPI 3 lần đạt số điểm cao nhất cả nước.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, năm 2024, tổng điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Quảng Ninh đạt 73,2 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023, tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu, xếp vị trí thứ 2 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024. Dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm nay là TP Hải Phòng đạt 74,84 điểm. Trong top 5 địa phương dẫn đầu còn có Long An, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mức điểm số trung vị của Chỉ số PCI năm 2024 đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp điểm số trung vị PCI của cả nước vượt mốc 60 điểm - ngưỡng điểm phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi.
Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 cho thấy có sự tập trung của các tỉnh trong top 30 xung quanh các trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
Ở phía Bắc, có thể quan sát thấy sự tập trung của khá nhiều tỉnh trong top 30 ở lân cận Hà Nội và Hải Phòng. Ở phía Nam, có sự tập trung nhiều tỉnh trong top 30 gần Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại miền Trung, đó là Huế và Đà Nẵng.
Sự tập trung này xung quanh các trung tâm kinh tế lớn có khả năng được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính, bao gồm cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiếp cận lao động có tay nghề cao, và sự gần gũi với các thị trường lớn, điều này tạo điều kiện cho việc lan tỏa ý tưởng, chia sẻ giải pháp điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong 10 địa phương dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 (PCI 2024), vị trí đứng đầu thuộc về Thành phố Hải Phòng với 74,84 điểm. Vị trí á quân thuộc về Quảng Ninh với 73,20 điểm, đứng thứ 3 là Long An với 72.64 điểm. Hưng Yên lần đầu tiên có tên trong top 10 của bảng xếp hạng
PCI 2024 cũng là lần công bố thứ 20 của VCCI và cũng là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi triển khai quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương, sẽ chính thức được triển khai từ nửa cuối năm 2025.
Qua Báo cáo PCI 2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI phân tích, báo cáo PCI cho thấy bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh với mức điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023.
Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp, điểm số trung vị PCI của cả nước vượt mốc 60 điểm – ngưỡng điểm phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, năm nay, chỉ số Chất lượng điều hành kinh tế - vốn là chỉ số gốc, mang tính cốt lõi của bảng xếp hạng PCI, đạt mức 68,18 điểm - đánh dấu mức cải thiện liên tục kể từ năm 2016 tới nay. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp
Trong điểm số PCI 2024, Quảng Ninh duy trì được sự cải thiện của 5 trên tổng số 10 lĩnh vực điều hành đo lường bởi PCI, bao gồm: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đây là năm thứ 12, Quảng Ninh liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI, kể từ năm 2013.
Đối với chỉ số xanh PGI năm 2024, Quảng Ninh đứng thứ 16 trong top 30 tỉnh có điểm PGI được xếp hạng với số điểm được đánh giá hơn 26 điểm.
Báo cáo phân tích PCI năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, kết quả khảo sát gần 11.000 doanh nghiệp cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào chính quyền địa phương vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, kết quả PCI 2024 cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương.