Phát huy những kết quả, thành tựu đạt được trong công tác quản trị, điều hành, Petrovietnam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu SXKD trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, trong đó nổi bật là lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch.
Trong tháng 7, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, không chỉ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu mà còn tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, khiến thị trường các sản phẩm dầu khí biến động… tác động rất lớn đến hoạt động SXKD của Petrovietnam.
Tuy nhiên, với quan điểm, phương châm nhất quán trong công tác quản trị biến động nên kết thúc tháng 7/2024, Petrovietnam vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu SXKD. Các nhà máy, công trình dầu khí hoạt động an toàn, ổn định, đảm bảo tính sẵn sàng, độ khả dụng, đáp ứng cao nhất nhu cầu huy động, tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu, xăng dầu, khí, điện, phân bón… cho nền kinh tế.
Trong tháng 7/2024, các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam hầu hết đều hoàn thành vượt mức KH tháng từ 6,3 – 19,9%, như: Khai thác dầu thô đạt 0,81 triệu tấn, vượt 15,9% KH tháng; Khai thác khí đạt 519 triệu m3, vượt 14,7% KH tháng; Sản xuất đạm đạt 163,2 nghìn tấn, vượt 6,3% KH tháng; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 652,6 nghìn tấn, vượt 16,6% KH tháng…
Tập đoàn đã đưa vào hoạt động 3 bồn chứa LPG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức tham gia thị trường điện.
Tính chung 7 tháng năm 2024, công tác sản xuất của Tập đoàn tiếp tục được đảm bảo. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức KH từ 4,4 – 30,4%, tăng 7 – 15,2% so với cùng kỳ năm 2023, như: Khai thác dầu thô đạt 5,81 triệu tấn, vượt 19,1% KH 7 tháng; Khai thác khác khí đạt 3,97 tỷ m3, vượt 30,4% KH 7 tháng; Sản xuất điện đạt 17,22 tỷ kWh, tăng 15,2% so với cùng kỳ (tuy nhiên khai thác khí chỉ bằng 90% so với khả năng khai thác của Tập đoàn và sản xuất điện bằng 92,7% KH 7 tháng của Tập đoàn do huy động điện khí giảm mạnh);
Sản xuất đạm đạt 1,11 triệu tấn, vượt 6,3% KH 7 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 3,64 triệu tấn, vượt 21% KH 7 tháng (nếu tính cả sản lượng từ NSRP đạt 8,54 triệu tấn, vượt 19,2% KH 7 tháng, tăng 10,6% so với cùng kỳ); Sản xuất NPK đạt 194,2 nghìn tấn, vượt 4,4% KH 7 tháng, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị, các chỉ tiêu sản xuất hầu hết hoàn thành vượt mức kế hoạch, nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam suy giảm, đặc biệt biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2023, ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động của lĩnh vực lọc hóa dầu, nhưng các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức từ 31 - 75% kế hoạch 7 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 567,4 nghìn tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch 7 tháng, tăng 14% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 84,6 nghìn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch 7 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch 7 tháng.
Cùng với hoạt động SXKD, Petrovietnam tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa, thiết thực, kịp thời hỗ trợ người dân vùng bão lũ (Sơn La, Điện Biên…), xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ các chương trình, công trình giáo dục đào tạo, y tế… với tổng giá trị thực hiện an sinh xã hội 7 tháng đầu năm 2024 đạt 467 tỷ đồng.
Lãnh đạo Petrovietnam khẳng định, có được những kết quả trên là do Tập đoàn đã kiên định thực hiện tốt quản trị biến động, bám sát diễn biến của thị trường để có các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, duy trì hoạt động SXKD, tồn kho hợp lý, giảm thiểu ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, đồng thời tận dụng các cơ hội để bù đắp cho những rủi ro.
Quản trị biến động đã trở thành văn hóa, nét đặc sắc trong công tác quản trị doanh nghiệp tại Petrovietnam; công tác dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó cũng như các bộ giải pháp để tối ưu các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết đã trở thành “chìa khóa” để Tập đoàn và các đơn vị vượt khó thành công. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để Petrovietnam ứng phó với những khó khăn, thách và đạt kết quả tích cực trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2024.
Theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn đã phải đối diện trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 là rất lớn, tuy nhiên, dự báo khó khăn, thách thức mà Tập đoàn phải đối diện trong những tháng còn lại của năm 2024 còn lớn hơn, sẽ tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến hoạt động của Tập đoàn.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực, chặn đà suy giảm, qua đó giữ được đà tăng trưởng, ông Lê Mạnh Hùng cho hay, Petrovietnam sẽ tiếp tục và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hơn nữa công tác quản trị doanh nghiệp, tăng cường các chuỗi liên kết, gia tăng chuỗi giá trị dầu khí, như: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa HĐTV và Ban điều hành trong quản trị các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn; tiếp tục rà soát, cải cách hành chính, thủ tục nội bộ; đẩy mạnh khai thác dầu để tận dụng cơ hội thị trường; tối ưu công tác sản xuất, bảo dưỡng sửa chữa; thúc đẩy mở rộng thị trường, tìm các động lực mới cho tăng trưởng; tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là triển khai các dự án trọng điểm; quản trị tài chính, vốn, đảm bảo nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển.
Đặc biệt, để phục vụ cho thực hiện định hướng phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia, ông Lê Mạnh Hùng cho biết Petrovietnam đã xây dựng kế hoạch, hành động và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hiện thực hóa, thể chế hóa Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị. Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần Kế luận số 76-KL/TW, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham mưu thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW thành cơ chế, chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững ngành Dầu khí, thúc đẩy hình thành các trung tâm năng lượng quốc gia, bảo đảm nguồn vốn cho Petrovietnam thực hiện các mục tiêu chiến lược và tăng cường phân cấp, phân quyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Đồng thời, cụ thể hóa định hướng phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, hydrogen, amoniac, chuỗi cung ứng nhập khẩu, kinh doanh LNG, sản xuất thiết bị năng lượng... theo hướng tập trung những dự án lớn, chiến lược, tác động lan tỏa, hiệu quả cao.
Còn theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, trước những khó khăn, thách thức của thị trường, diễn biến nhanh và tiêu cực hơn các dự báo, Petrovietnam sẽ tập trung quản trị biến động; bám sát kịch bản tăng trưởng của đất nước và tình hình vĩ mô để đưa ra các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả trong các tháng tiếp theo.
Trong đó, Petrovietnam sẽ tăng cường đảm bảo công tác an toàn, sức khỏe, môi trường, phòng chống cháy nổ đối với các nhà máy, công trình để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được triển khai an toàn, thông suốt. Đặc biệt, phải theo dõi sát sao, dự báo tình hình thị trường để đưa ra các giải pháp điều hành SXKD, phân phối sản phẩm, tồn kho hợp lý nhằm hạn chế các tác động từ những biến động tiêu cực.
Bên cạnh đó phải tăng cường quản trị sản xuất, đặc biệt là khai thác dầu, rà soát giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án sớm đưa vào khai thác trong năm nay để gia tăng sản lượng; đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực rà soát, triển khai công tác đầu tư, tái cấu trúc theo kế hoạch; tham gia tích cực, chủ động trong đề xuất sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho hoạt động, xây dựng các dự án Luật liên quan đến hoạt động, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến triển khai Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị.
Để thúc đẩy hoạt động SXKD của Tập đoàn trong những tháng cuối năm, kiên định với các mục tiêu tăng trưởng, mới đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam cũng đã ban hành Chỉ thị 5755/CT-DKVN ngày 12/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong các tháng cuối năm, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch quản trị năm 2024 của Tập đoàn.
Theo đó, mục tiêu được Petrovietnam đặt ra trong những tháng còn lại của năm là nỗ lực, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch quản trị năm 2024, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện chi tiết, phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của đơn vị theo từng tháng. Trong đó, các đơn vị nghiêm túc tổ chức quán triệt mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo thực hiện kế hoạch quản trị, phấn đấu tăng trưởng trong toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, để tạo động lực và dư địa phát triển trong giai đoạn tới, quán triệt tinh thần của Hội nghị Công tác đầu tư - tài chính của Tập đoàn năm 2024, Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Tập đoàn trong công tác quản lý đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện kế hoạch đầu tư, quyết toán dự án đầu tư.
Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch đầu tư năm 2024.
Với những kết quả đã đạt được trong 7 tháng đầu năm 2024 và thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2020-2024, đặc biệt là những bài học trong “quản trị biến động”, Petrovietnam sẽ duy trì đà tăng trưởng và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới.