PGP từ thua lỗ triền miên đến “nồi da xáo thịt”

Nguyễn Việt 08/09/2018 05:37

Tính đến cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của PGP co về còn 155 tỷ đồng, trong khi vốn cổ phần là 203,5 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 48,5 tỷ đồng.

Cả năm 2018, GPP đặt mục tiêu lỗ 20 tỷ đồng.

Cả năm 2018, GPP đặt mục tiêu lỗ 20 tỷ đồng.

Theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ, vốn nhà nước sẽ thoái hết khỏi Công ty cổ phần phim Giải Phóng (PGP) trong năm nay. Tuy nhiên kế hoạch này gần như không khả thi, khi doanh nghiệp này thua lỗ triền miên, và quan trọng hơn cả, tài sản đáng giá nhất đã không còn.

Nợ nần...

Năm 2015, PGP là một trong số những đơn vị nghệ thuật đầu tiên được cổ phần hoá, với kỳ vọng thu hút sự tham gia cùng "luồng gió" tươi mới, đầy sức sống của khu vực tư nhân. Năm đầu tiên hoạt động dưới mô hình cổ phần, PGP lỗ 28,1 tỷ đồng, năm 2017 có khá hơn, nhưng khoản lỗ vẫn rất lớn: 20,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể khi lỗ trước thuế 8,6 tỷ đồng, với doanh thu vỏn vẹn 6,1 tỷ đồng. Cả năm 2018, GPP đặt mục tiêu lỗ 20 tỷ đồng.

Với đà này, việc PGP lỗ âm vốn chủ sở hữu và phải tiến hành phá sản không phải là kịch bản quá xa vời, như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Hưng trong một bài phỏng vấn gần đây đăng trên tờ Quân đội Nhân dân. Các năm qua, số lượng phim được Nhà nước đặt hàng, tài trợ giảm sút, có những năm không được đặt phim nào. Để duy trì thu nhập cho hơn 70 cán bộ, ban lãnh đạo PGP đã phải kết hợp cho thuê một phần trụ sở tại 212 Lý Chính Thắng (Quận 3), thậm chí phải vay mượn thêm từ cá nhân bên ngoài.

Tuy nhiên thực trạng tại hãng phim có lịch sử từ năm 1962 vẫn ngày càng khó khăn. Nợ nghĩa vụ ngân sách nhà nước đến cuối năm 2016 là 16,76 tỷ đồng và hơn 1 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp các loại thuế. Công ty đã nhiều lần gửi công văn cho Cục thuế TP.HCM xin gia hạn nhưng không được chấp thuận. Từ giữa năm 2016, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế phong toả tài khoản và đến tháng 8/2017 đã thu hồi hoá đơn của PGP.

Trong lúc này, cách duy nhất để vực dậy PGP chỉ có thể là thoái vốn nhà nước, nhường chỗ cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, một trở ngại lớn được đưa ra là giá trị doanh nghiệp được xác định ở mức cao, khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài.

Và kiện tụng

Từ năm 2015 đến 2017, PGP không có bất cứ một phim nhà nước đặt hàng nào. Công ty sống chủ yếu bằng tiền cho thuê mặt bằng, cho thuê thiết bị máy móc và làm gia công phim truyền hình cho các đài truyền hình và công ty quảng cáo. Mới đây, PGP nhận được kế hoạch đặt hàng từ nhà nước cho 5 phim tài liệu, 1 phim truyện video phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, 1 phim hoạt hình và phim điện ảnh. Tình hình có dấu hiệu khả quan, anh em hãng phim có thể thở phào, nhưng đúng lúc này, đơn thưa kiện PGP bắt đầu được gửi đi khắp nơi. 

Người đứng đơn chính là anh ruột của ông Nguyễn Tiến Hưng và đơn thưa của bà Nguyễn Như Ngọc Quyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quảng cáo và phát hành PGP. Anh trai của ông Nguyễn Tiến Hưng thưa kiện về số tiền 500 triệu đồng mà hãng đã vay. Bà Nguyễn Như Ngọc Quyên thưa kiện vì ban lãnh đạo mới giải tán trung tâm dịch vụ quảng cáo và phát hành còn bà bị buộc thôi việc. 

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, PGP đang khó khăn, không thể để bộ máy cồng kềnh và việc trung tâm chỉ có bà Quyên là rất lãng phí, nên ông xin Bộ VH-TT-DL cho giải thể trung tâm này. Trong thời gian đó, bà Quyên cũng tự ý nghỉ không xin phép, nên lãnh đạo công ty cho bà thôi việc (Quyết định Xử lý kỷ luật lao động số 55/QĐ-PGP ngày 15/9/2017 do ông Nguyễn Tiến Hưng ký).

Trước đó, trong thời gian ông Nguyễn Thái Hòa lãnh đạo Hãng phim Giải Phóng, ông Hòa giao cho gia đình bà Quyên thầu bãi giữ xe của hãng phim. Nhưng khi ông Nguyễn Tiến Hưng về tiếp quản, bãi giữ xe được chuyển sang con rể ông Hưng là ông Nguyễn Văn Dũng thầu bãi giữ xe này đến nay. PGP cũng vay của vợ ông Hưng 6,5 tỷ đồng mà theo ông Hưng, số tiền này được dùng vào việc trả nợ một số đơn vị đã cho Hãng phim Giải Phóng vay trước đây với lãi suất cao và một phần dùng vào việc gia công sản xuất phim.

Vậy là, cán bộ - công nhân viên PGP chưa kịp mừng khi lại được nhà nước đặt hàng làm phim, có thể tiếp tục làm nghề, cải thiện thu nhập; đã phải chứng kiến việc kiện cáo ì xèo từ nội bộ gia đình của Chủ tịch HĐQT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PGP từ thua lỗ triền miên đến “nồi da xáo thịt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO