Chuyển đổi số

Phấn đấu thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, công nghệ

Minh Huệ 22/04/2025 00:20

Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đưa ra mục tiêu

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo quan điểm được nêu tại chương trình hành động, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu để đưa tỉnh Hải Dương bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

1.jpg
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào "Hải Dương thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" (Ảnh: Báo Hải Dương)

Chương trình hành động đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Hải Dương thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Duy trì mục tiêu tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2025-2030 của địa phương này đạt 12%/năm trở lên. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức từ 55% trở lên. Quy mô kinh tế số đạt từ 30% GRDP trở lên.

Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp đạt 100%, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 90%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt 0,8.

Đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh phát triển vững chắc, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo được cải thiện, nâng lên mức thuộc tốp 15 vào năm 2035 và tốp 10 tỉnh đứng đầu cả nước năm 2045. Tỉnh này phấn đấu quy mô kinh tế số đạt từ 50% GRDP trở lên, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số nổi trội so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Chương trình nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 46 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phát động thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Để Hải Dương phấn đấu thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào "Hải Dương thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng".

2.jpg
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, công nghệ (Ảnh: Báo Hải Dương)

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2025 – 2030, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2025 - 2027), ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào năm 2027 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 (từ 2027 - 2030), trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào thi đua, tổng kết vào năm 2030.

8 nội dung thi đua, triển khai phong trào gồm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ “truyền thống” sang không gian số dựa trên dữ liệu số.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cho phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo, nhất là phát triển hạ tầng số, các ứng dụng công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”, gắn với công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm theo hướng đi tắt, đón đầu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển dịch vụ công; tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; ứng dụng dữ liệu vào các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ quản lý, điều hành.

Phát triển nguồn lực đầu tư phục vụ chuyển đổi số. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Triển khai phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “học tập số”, thường xuyên, liên tục, phổ cập, nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản trong cán bộ, công chức và nhân dân; phát động phong trào phát minh, sáng chế, cải tiến, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc trong mọi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học, công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng vao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trên nền tảng số và không gian mạng, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử.

Tăng cường hợp tác, nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới phù hợp với thực tiễn và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của một số lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; tài chính – ngân hàng; giao thông vận tải và logistics; y tế; giáo dục; quốc phòng, an ninh.

Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả, với nội dung, hình thức phong phú. Thường xuyên rà soát, đề xuất biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các sở, ban, ngành, địa phương coi trọng việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, song hành cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân liên quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phấn đấu thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO