Phản ứng của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rất quyết liệt, từ cấp độ ngoại giao đến phản ứng Hiệp hội của những ngư dân sống nhờ biển cả.
>>Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không có giá trị trên vùng biển của Việt Nam
Cấm đánh bắt là cắt đứt nguồn sinh kế của ngư dân Việt Nam. Do đó, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam lập tức có hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Ngày 4/5, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ thái độ phản đối phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong năm 2022.
Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: “Đây là hành động đơn phương, phi lý của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích khác của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lệnh cấm đánh cá này đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã khẳng định lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
>>Áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá: Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế
>>Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương "cấm đánh bắt cá ở Biển Đông" của Trung Quốc
Thực tế, từ năm 1999, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, Trung Quốc hàng năm đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông với phạm vi từ vĩ tuyến 12 về phía bắc sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á khác trong đó có Việt Nam.
Trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 của nhiều năm qua, Trung Quốc luôn đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt phi pháp ở Biển Đông. Với đội tàu cá có hơn 4 triệu thuyền viên thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt là nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững và cải thiện hệ sinh thái ở Biển Đông.
Có thể thấy, để từng bước thực hiện hóa mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”, Trung Quốc đã bất chấp tất cả, ra chỉ đạo đe dọa dùng vũ lực đối với các tàu cá không có vũ trang, mở lối ra thành cường quốc biển rồi từng bước thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” thành bá chủ thế giới.
Thế nhưng, với quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng pháp lý và hòa bình, Việt Nam rất bình tĩnh để đối phó với các vấn đề, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho hay lệnh cấm đánh bắt cá năm nay của Trung Quốc cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực để áp đặt quyền lực của mình đối với bất kỳ ngư dân của nước nào vi phạm. Đây là điều rất nguy hiểm đối với ngư dân.
“Để đề phòng những hành vi xâm phạm bất hợp pháp của những người không biết tôn trọng luật lệ quốc tế, chúng tôi đã tuyên truyền ngư dân đi đánh bắt theo từng tổ đội và gần nhau, luôn bật định vị vệ tinh để không đi vào những vùng xâm phạm ranh giới biển của Trung Quốc” - ông Lĩnh cho hay.
Như vậy, mỗi khi xảy ra sự cố, ngư dân Việt Nam có đủ bằng chứng cho việc mình không vi phạm và có thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của mình trên biển.
Đúng vậy, biển của ta, ta cứ vẫy vùng… Tuy nhiên, theo ý kiến của người viết, để làm được điều này, Hội nghề cá Việt Nam cần sự bảo vệ, hỗ trợ, quan tâm, giúp đỡ bằng cách hành động cụ thể từ chính quyền.
Ví dụ: Hỗ trợ ngư dân khi xăng dầu đắt đỏ như hiện nay, tàu bè ít hoạt động, hải sản khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cần lắm chính sách trợ giá về xăng dầu, vay vốn đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền để vươn khơi, thực hiện mục tiêu kép “khai thác tài nguyên, bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ”.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển cần phối hợp nhịp nhàng có kế hoạch bảo vệ ngư dân bám biển, vừa tránh mắc mưu khiêu khích, gây hấn, tạo cớ làm càn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Chúng ta phải luôn nắm giữ thế chủ động nắm giữ các bằng chứng để Trung Quốc không thể vu vạ, chụp mũ.
Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine nên ngư dân Việt Nam tuyệt đối tỉnh táo không mắc mưu, sa đà vào âm mưu khiêu khích, tạo cớ trên biển của lực lượng chấp pháp Trung Quốc. Chúng ta cũng hết sức cương quyết, khôn khéo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Hãy tin, lẽ phải vẫn là sức mạnh, chính sẽ thắng tà, do đó, chúng ta nhất định không lùi bước trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, ngang ngược của Trung Quốc. Đồng thời, cũng không mềm lòng ru ngủ bởi luận điệu ru ngủ “gác tranh chấp, cùng khai thác” của đất nước này.
Giữ biển, giữ đảo không chỉ là nhiệm vụ của hải quân, kiểm ngư, biên phòng, ngư dân mà là trách nhiệm của toàn dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng giữ biển đảo. Sức mạnh vũ lực phi nghĩa có thể thắng một con thuyền nhưng không thể thắng được sự đồng lòng của cả một dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
14:40, 04/05/2022
05:15, 01/05/2022
11:31, 08/05/2020
12:00, 04/05/2020