“Phần hồn” của doanh nghiệp

NGUYỄN VIỆT 28/08/2022 01:07

Đạo đức, văn hóa là tài sản vô hình, “phần hồn” góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. 

>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ về việc doanh nghiệp muốn đứng vững và vươn cao càng đòi hỏi phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nhân.

PGS.TS Đỗ Minh Cương Phó, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, văn hóa doanh nhân là một yếu tố của văn hóa kinh doanh, có quan hệ với văn hóa doanh nghiệp. Khi nói đến văn hóa kinh doanh Việt Nam, người ta nói đến văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, trong đó, văn hóa doanh nhân là bộ phận quan trọng nhất.

Thực chất, văn hóa doanh nhân là nhân cách, phẩm chất tiêu biểu nhất của doanh nhân thỏa mãn những tiêu chuẩn văn hóa. Thứ nhất, phải được đại đa số cấp dưới và quần chúng nhân dân ủng hộ, thừa nhận một cách tự nhiên.

Thứ hai, văn hóa doanh nhân là những giá trị có tính bền vững, mang tính tinh hoa truyền thống của những doanh nhân khác nhau ở một thời kỳ lịch sử, mang tính tiêu biểu, có tính bản sắc của địa phương, dân tộc, có thể dùng trong giáo dục để nêu gương, học tập.

Thứ ba, khi nói đến văn hóa doanh nhân, những phẩm chất, hành vi đạo đức của họ phải thỏa mãn tính chân-thiện-mỹ, có tính giá trị, thể hiện sự tử tế, nhân ái, đẹp cả trên khía cạnh mỹ học.

“Hiện nay, có nhiều quan điểm về văn hóa doanh nhân khác nhau, phổ thông nhất là khái quát thành những đặc điểm tiêu biểu của người kinh doanh. Ví dụ, tôi từng viết, doanh nhân Việt Nam có phẩm chất cơ bản nhất là đức-trí-thể-phát, tức là đạo đức-trí tuệ-sức khỏe-phát triển. Hoặc theo quan điểm của GS Phùng Xuân Nhạ thì là những phẩm chất: Đức-trí-thể-lợi”, PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.

Trong cuốn “Doanh nhân và văn hóa doanh nhân” của tác giả Nguyễn Viết Lộc lại quan niệm, doanh nhân là người dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, có khát vọng, có khả năng tìm kiếm, tạo dựng, nắm bắt cơ hội, độc lập, quyết đoán, tự tin, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có thành quả kinh tế bền vững.

Còn Jim Collins-tác giả cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” cho rằng, một trong những phẩm chất của những doanh nhân có thể khiến công ty trở nên vĩ đại là người lãnh đạo rất khiêm tốn, ít nói về mình nhưng quan tâm đến nhân viên và họ không bao giờ cho rằng doanh nghiệp mình hàng đầu, ngôi sao... không thỏa mãn với điều đó mà luôn chấp nhận thách thức mới.

“Nhân cách doanh nhân điển hình tiêu biểu cho cả vùng, dân tộc thì có thể coi là yếu tố thuộc về văn hóa doanh nhân. Thực chất nó bao gồm cả 3 yếu tố cơ bản hợp thành là đức (tâm)-tầm-tài, có người quan niệm cần thêm trí-dũng. Vẫn là cách tiếp cận tìm ra những phẩm chất cơ bản của con người làm nghề này giúp họ thành công và có tầm ảnh hưởng đến xã hội”, PGS.TS Đỗ Minh Cương bày tỏ.

>>Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

>>“Vũ khí” cạnh tranh thời 4.0

>>Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu thiếu đạo đức

>>Nền tảng văn hóa tạo dựng doanh nghiệp kiên cường

>>PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá

Vậy, văn hóa doanh nhân có ý nghĩa thế nào đối với văn hóa doanh nghiệp? PGS, TS Đỗ Minh Cương cho rằng, doanh nhân tiêu biểu nhất là người sáng tạo, lãnh đạo doanh nghiệp, định hình văn hóa doanh nghiệp; doanh nhân là người xác định triết lý kinh doanh, là tấm gương đạo đức với đội ngũ nhân lực. Vậy nên tầm ảnh hưởng của họ rất lớn. Cái tâm-tài của doanh nhân quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Họ có thể truyền cảm hứng, nhưng nếu không gương mẫu thì văn hóa doanh nghiệp rất khó đi vào cuộc sống.

Nếu doanh nhân có tâm-tài-trí-dũng thì khát vọng của họ lớn, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn vươn tầm để nâng chất lượng cuộc sống người lao động của doanh nghiệp, cho người Việt Nam, cho dân tộc. Cách lựa chọn ngành nghề kinh doanh, cách điều hành, tầm nhìn của doanh nhân sẽ quyết định doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nào, theo quan điểm triết lý kinh doanh như thế nào.

Doanh nhân có văn hóa với những phẩm chất sẽ có tầm nhìn xa và dần dần họ thấy muốn kinh doanh phát triển bền vững, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp và truyền thông rất rõ tới nhân viên để họ thấu hiểu tầm nhìn sứ mệnh của mình và như thế sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chung ý chí, cùng giá trị.

Quyết định thành công của doanh nghiệp chính là con người, năng lực doanh nghiệp là năng lực của những người thấm đẫm văn hóa doanh nghiệp. Khi những con người ấy mang tư tưởng, giá trị người lãnh đạo thì có sức mạnh, động lực phấn đấu và cái tâm-tầm-tài của người lãnh đạo được phát triển, tạo ra những công ty phát triển bền vững, vĩ đại.

Còn một điều ít người nói là văn hóa doanh nhân còn có tác dụng kiềm chế lòng tham, tự mãn của cá nhân, tạo cơ chế phanh hãm để người ta tránh sai lầm dẫn đến đổ vỡ doanh nghiệp. Ở văn hóa doanh nhân là tự nói, tự hành động; ở văn hóa doanh nghiệp là khi nói ra như giá trị công bố, nhưng có trở thành văn hóa hay không thì lại do hành vi, suy nghĩ của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

“Vì vậy, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trước hết doanh nhân phải làm được và truyền cảm hứng cho mọi người cùng làm. Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nghiệp là cái mở rộng, cụ thể hóa, là xung lực để truyền văn hóa doanh nhân đến mọi thành viên trong doanh nghiệp”, PGS, TS Đỗ Minh Cương khẳng định.

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Gen” văn hoá “giải mã” doanh nghiệp

    03:15, 18/08/2022

  • Tấm gương văn hoá bắt đầu từ người đứng đầu

    00:44, 17/08/2022

  • Văn hoá, đạo đức là cốt cách, nền tảng bảo vệ doanh nghiệp

    03:07, 16/08/2022

  • Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    04:36, 15/08/2022

  • Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn

    04:00, 12/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Phần hồn” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO