Thường xuyên gặp cảnh tắc nghẽn phương tiện, hàng hóa do hạ tầng chật hẹp cộng với phương pháp điều hành chưa chuyên nghiệp đã khiến doanh nghiệp nghiệp chật vật khi làm thủ tục thông quan.
Đây là thực trạng tồn tại lâu nay nhưng để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hàng hóa được thông quan nhanh, gọn lại đang là bài toán chưa được thống nhất về lời giải.
Doanh nghiệp nghẹt thở
Là một trong 08 KKT cửa khẩu trên địa bàn cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 nên theo lộ trình thì cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cũng sẽ được chú trọng đầu tư về hạ tầng theo hướng hiện đại hóa.
Đây là tầm nhìn dài hơi để đón đầu cơ hội hợp tác cũng như giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Lào thông qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, từng bước giúp doanh nghiệp 2 quốc gia đẩy mạnh quan hệ xuất nhập khẩu với nhau.
Vậy nhưng, để lộ trình này có nhiều thuận lợi thì ngay từ bây giờ, các cơ chế, chính sách thông quan qua lại cũng cần phải tháo gỡ kịp thời, nhất là về việc phân luồng kiểm tra hàng hóa.
Có nghĩa là, việc tận dụng mặt bằng, bến bãi để bố trí cho doanh nghiệp, chủ hàng tập kết phương tiện, hàng hóa phục vụ công tác kiểm tra, kiểm hóa theo chức năng mà pháp luật quy định cần phải xem xét lại.
Bởi theo như phản ánh của nhiều doanh nghiệp có “thâm niên” thông quan hàng hóa qua lại tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thì trong thời gian qua, vấn đề chậm lưu thông, phương tiện nằm dài chờ làm thủ tục kiểm hóa luôn lặp đi lặp lại như cơm bữa.
Điều này không chỉ mất thời gian mà còn khiến doanh nghiệp phải đội chi phí phát sinh để duy trì hoạt động tại đây đã trở thành gánh nặng trong khi cơ quan chức năng chưa có động thái quyết liệt nào để giúp họ khơi thông.
“Chúng tôi phải nằm chờ ở đây 4,5 ngày liên tục để làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu bao năm nay rồi. Sân bãi để phương tiện tập kết trước cổng cửa khẩu luôn chật hẹp, luôn gặp cảnh quá tải, thậm chí phải dừng đỗ trên đường ở cách xa khu vực làm thủ tục thông quan hàng chục km. Nếu như nhiều bến bãi nằm gần khu vực cửa khẩu được tận dụng để cử cán bộ, phương tiện đến tận nơi để kiểm tra, kiểm hóa đặc thù thì sẽ giảm bớt thời gian chờ đợi hơn” – anh Đức, một lái xe đầu kéo liên vận chuyên chở hàng quặng từ Lào về khu vực cảng Cửa Lò kiến nghị.
Cần phân luồng để giảm tải áp lực thông quan
Khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp chuyên hoạt động về lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thì vấn đề giảm tải về thời gian chờ đợi để làm thủ tục thông quan luôn trở thành câu chuyện bức xúc chưa được hạ nhiệt.
Họ cho rằng, đối với những mặt hàng được xem là đặc thù như quặng, than thì trong thời gian qua vẫn luôn gặp cảnh tắc nghẽn nối dài ở con đường độc đạo lên – xuống cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là QL 8A. Bởi theo quy định, tất cả các loại hàng hóa đều phải có sự giám sát của cơ quan hải quan cửa khẩu nhưng cũng cần có phương pháp phân luồng để kiểm tra, kiểm hóa một cách thuận lợi, nhanh gọn nhất.
Đó là việc cơ quan chức năng cần phân luồng cho loại phương tiện chở các mặt hàng nói trên tập kết ở bến bãi gần cửa khẩu có sẵn để tiến hành niêm phong, kẹp chì. Và, khi các thủ tục thông quan đã làm xong thì các loại phương tiện đã giảm tải rất nhiều về thời gian chờ đợi. Cơ quan chức năng cũng giảm bớt áp lực về tình trạng quá tải khi thực hiện trách nhiệm công vụ của mình.
Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi thì phía nước bạn Lào đã triển khai nhiệm vụ kiểm tra, kiểm hóa hàng và phương tiện ngay tại khu vực thị trấn Lạc Xao, tỉnh Bôlykhămxay, nằm cách cửa khẩu gần 30km từ nhiều năm nay. Qua ghi nhận thì phía nước bạn triển khai công tác như vậy để giảm tải tình trạng ách tắc tại cửa khẩu và thông thoáng về bến bãi tập kết, giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian thông quan, tránh phải gánh thêm chi phí chờ đợi quá lâu.
Ở góc độ khác, mặc dù quãng đường từ cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đi Viêng Chăn – Lào với chiều dài 479,8km (cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đi Viêng Chăn – Lào dài 363,8km), cùng chịu sự quản lý, kiểm soát của pháp luật hiện hành nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển lưu thông hàng hóa qua đây hơn so với tại khu vực Cầu Treo. Mặc dù quãng đường chênh lệch nhau tới hơn 100Km nhưng tại cửa khẩu Cha Lo, việc phân luồng bến bãi và các cơ chế quản lý thông quan lại thông thoáng, không ách tắc nhiều như tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.
Trong khi đó, hàng hóa đặc thù như quặng từ Lào về, than quá cảnh từ Việt Nam sang qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lại bắt buộc phải tập kết tại bãi sát cạnh khu vực làm thủ tục thông quan. Tình trạng này dẫn đến ách tắc kéo dài hàng chục km trên QL 8A hướng lên cửa khẩu trở thành “điệp khúc” nhiều năm nay.
Đặc biệt, tổ hợp công trình nhà liên hợp cửa khẩu Cầu Treo kết hợp Quốc môn, đường giao thông tại cửa khẩu gần 10 năm nay đã xây dựng hoàn thành một số hạng mục rồi bỏ hoang không được tận dụng, gây lãng phí tiền tỷ của nhà nước.
Chính vì vậy, câu hỏi tại sao không phân luồng, phân ngạch để kiểm tra, kiểm hóa ở khu vực gần khu làm việc chính của cửa khẩu Cầu Treo mà nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp phải áp tải hàng và phương tiện đến “sát vách” để thực hiện?
Câu trả lời xin gửi đến cơ quan hải quan tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Tổng cục Hải quan nói chung cũng như các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tháo gỡ tình trạng ách tắc cho doanh nghiệp khi lưu thông qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu thô đá hoa trắng tại Nghệ An (Kỳ 3): Vẫn chỉ là... chờ Bộ xem xét
16:47, 17/03/2021
Xuất khẩu thô đá hoa trắng tại Nghệ an (Kỳ 2): Các doanh nghiệp nói gì?
11:00, 10/03/2021
Xuất khẩu thô đá hoa trắng tại Nghệ an (Kỳ 1): Lợi bất cập hại!
04:00, 07/03/2021
Nghệ An: Vì sao hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách bãi bến?
04:20, 06/03/2021
Khu kinh tế Cầu Treo (Hà Tĩnh): Cần gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư
02:00, 15/01/2021