Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí cố tình “tiếp tay” bằng hình thức “phạt cho tồn tại” bởi chính quyền địa phương khiến sai phạm có dấu hiệu gia tăng như một tất yếu…
Cuối năm 2019, người dân Hà Nội không khỏi “sốc” trước thông tin dự án Bệnh viện An Sinh với mức đầu tư hơn 2000 tỷ đồng bị phát hiện xây “chui” ngay giữa Thủ đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo đó, dự án Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh (Bệnh viện An Sinh - PV) được khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Tuy nhiên, sau một thời gian khởi công, dự án này rơi vào cảnh đắp chiếu.
Điều ngạc nhiên là đến cuối năm 2019, dự án bất ngờ thi công trở lại và tiến hành triển khai hạng mục tầng hầm. Đáng nói, dự án tiến hành thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, khi thi công cũng không treo tên biển dự án theo quy định.
Trước sức ép từ dư luận, ngày 24/7/2019, Đội quản lý Trật tự xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm mới kiểm tra và có văn bản đề xuất xử lý vi phạm trật tự xây dựng do Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh làm chủ đầu tư. Theo đó, ngày 5/8/2019, Công ty này bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng, buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là phải tháo dỡ phần công trình sai phạm.
Đáng nói tại thời điểm đó, mặc dù UBND quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng, nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công bất chấp luật pháp, bất chấp các quyết định của chính quyền. Dư luận không khỏi bức xúc hoài nghi, phải chăng có thế lực “chống lưng” nên công ty này mới dám “lộng hành” như vậy?
Trao đổi nhanh với Diễn đàn Doanh nghiệp sáng 1/7/2020, một cán bộ Đội Quản lý Trật tự xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết: “Dự án này đã được hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cách đây 3 tháng và hiện nay đang triển khai xây dựng đến tầng 8…”.
Và đương nhiên câu chuyện về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương này cũng theo đó bị “bỏ quên”(?!).
Có thể thấy, những năm gầy đây, chuyện xử phạt xong rồi lại cho tồn tại khiến nghị trường Quốc hội luôn nóng, nhiều ý kiến “gay gắt” được đưa ra đề nghị phải quyết liệt xử lý. Nhưng sai phạm dường như vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới đây, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) phản ánh tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng.
“Phạt thì nhẹ, lại cho tồn tại nữa và sau đó xử lý thì chỉ có mấy ông trật tự xây dựng phường. Ai làm trong hệ thống chính trị đều thừa biết là ở cấp phường chả có quyền hành gì…Kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật thì phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - ông Dũng nói.
Quay trở lại câu chuyện “phạt cho tồn tại” dự án gần 2000 tỷ bị phát hiện xây “chui” ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cho đến nay, sai phạm đã được "hợp thức hóa”, thế nhưng lạ lùng là vấn đề về trách nhiệm quản lý trong vụ việc này cũng bị “lãng quên” một cách khó hiểu(?!).
Còn nhớ cách đây không lâu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã rất “khẳng khái” chỉ ra nguyên nhân của tình trạng sai phạm trong hoạt động xây dựng còn nhức nhối ở Hà Nội là cán bộ cơ sở "có biểu hiện bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm".
Khi trả lời chất vấn của cử tri, người đứng đầu TP Hà Nội cũng từng rất “thẳng thắn”, “không có chuyện Hà Nội điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư hay vì lợi ích nhóm…”.
Thể hiện sự nghiêm minh là vậy, thế nhưng với những gì đã và đang diễn ra ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, sai phạm được “hợp thức hóa” nhưng trách nhiệm quản lý bị “bỏ quên”, vậy thì thượng tôn pháp luật ở đâu?
Có thể bạn quan tâm
05:30, 09/06/2020
05:30, 07/06/2020
06:20, 06/04/2020
13:10, 26/10/2017