Số mắc COVID-19 của Hà Nội mấy ngày gần đây có xu hướng gia tăng, nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho sốt ngoài cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đây là các ca “chỉ điểm”...
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 656 trường hợp mắc, riêng từ ngày 5/7 đến trưa 23/7 là 387 trường hợp. Những ngày gần đây số mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục gia tăng, có ngày lên đến hơn 60 ca. Đáng chú ý, Hà Nội cũng phát hiện hơn 20 ca dương tính thông qua lấy mẫu các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết đây là các ca bệnh ghi nhận được thông qua phát hiện sốt, ho tại cộng đồng, các trường hợp F1 của F0.
Vừa qua Hà Nội tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng là biện pháp khoa học, hợp lý để phát hiện ra các cá bệnh. Qua đây, tìm được F0, ổ dịch từ đó thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch.
"Hà Nội sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Đây là điều không thể không tránh khỏi. Thời gian qua TP Hà Nội giống như “vùng trũng” về dịch, rất nhiều người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, từ các nơi đổ về.
Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận định, nguy cơ dịch ở Hà Nội rất cao. Vì thế, dù số ca phát hiện chưa quá nhiều song Hà Nội đã quyết định thực hiện Công điện 15 và thêm nhiều biện pháp chặt hơn"- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Vấn đề ở đây là phải thực hiện nghiêm Công điện 15, nếu không nghiêm sẽ khó khăn trong khống chế dịch vì đã có ca cộng đồng.
Chuyên gia cũng đánh giá dịch bệnh tại Hà Nội hiện trong tầm kiểm soát, truy vết và xét nghiệm được hết các trường hợp F1, thậm chí lấy mẫu diện rộng xung quanh ổ dịch. Tuy nhiên ngoài truy vết, phong tỏa diện hẹp, thực hiện giãn cách thì việc quan trọng là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới.
Hà Nội đã yêu cầu tất cả những trường hợp ho, sốt đều phải được lấy mẫu, xét nghiệm mà không yêu cầu yếu tố dịch tễ.
Chuyên gia cũng nhận định các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng được phát hiện là các ca chỉ điểm, từ đó xét nghiệm rộng hơn ở cộng đồng để đánh giá về tình hình dịch của thành phố nhằm có đáp ứng kịp thời.
“Mỗi phát hiện là một thông số quan trọng giúp Hà Nội sớm đưa ra được phương án ứng phó phù hợp”, chuyên gia Trần Đắc Phu nói.
Thực tế, ngay từ những giai đoạn đầu phòng chống dịch Bộ Y tế, cụ thể là Hà Nội đã đưa ra rất nhiều các phương án khác nhau để kiểm soát người có biểu hiện ho, sốt trên địa bàn.
Tuy nhiên nhiều trường hợp có biểu hiện ho, sốt không khai báo, thay vào đó lại tự điều trị ở nhà, hoặc mua thuốc về uống.
Bộ Y tế và Hà Nội cũng từng quy định các nhà thuốc phải khai báo với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt đến mua thuốc cho các cơ quan kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, số nhà thuốc thực hiện viện khai báo cũng không nhiều, không nghiêm túc.
Trong khi theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những biểu hiện ho, sốt, khó thở... là những triệu phổ biến của những người có triệu chứng, đã được đưa vào trong các tiêu chuẩn chẩn đoán, phát hiện người nhiễm SARS-COV-2 của Bộ Y tế.
Vì thế, những người có những biểu hiện ho, sốt, khó thở... thì cần khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm sàng lọc để xác định có bị nhiễm SARS-COV-2 hay không.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng đưa ra lời khuyên với tất cả những trường hợp có biểu hiện ho, sốt mà không có triệu chứng nặng, không nên vội vàng đến các cơ sở y tế điều trị tuyến trên, cũng không tự ý mua thuốc về uống, thay vào đó hãy chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Trường hợp, người bị nhiễm COVID-19, các cơ quan y tế sẽ có những phương pháp tư vấn điều trị, cho người bệnh, đồng thời có biện pháp giúp người bệnh chủ động phòng, chống được sự lây lan dịch bệnh cho người thân và lây ra cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, phản ứng vội vàng chạy đến bệnh viện trong trường hợp không bị nhiễm COVID-19 thì cũng rất có thể sẽ khiến một người khỏe mạnh bình thường đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bệnh viện hoặc những người đến bệnh viện nếu không có những biện pháp phòng, chống nghiêm túc.
Ngược lại, trường hợp người bị nhiễm lại đến bệnh viện vô hình chung sẽ lại trở thành nguồn lây cho cả người nhà, bệnh viện và cả bệnh nhân.
Vì thế, ở thời điểm này, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở... người dân hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nhà thuốc cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, khai báo trung thực, thông báo ngay khi phát hiện có trường hợp ho, sốt tới nhà thuốc để các cơ quan y tế kịp thời có biện pháp ứng phó", ông Phu khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
15:41, 23/07/2021
11:02, 23/07/2021
06:00, 23/07/2021
01:00, 23/07/2021
14:35, 22/07/2021
10:23, 22/07/2021