Nữ kỹ sư Israel sẽ cứu rỗi trái đất!

Cẩm Anh 15/05/2019 06:00

Một loại nhựa dùng xong vứt xuống nước lập tức tan biến, thật khó tin! Nhưng đó là một phát minh khoa học có khả năng cứu cả thế giới.

Kỹ sư Sharon và cộng sự bên cạnh loại

Kỹ sư Sharon và cộng sự bên cạnh loại "nhựa" mới thân thiện với môi trường

Một nữ kỹ sư hóa học đến từ Israel, đã từ bỏ công việc hiện tại trong một công ty sản xuất nhựa để tìm ra cách chế tạo một sản phẩm thay thế khác có thể cứu nguy cho môi trường. Cuối cùng, cô đã thành công trong việc tìm ra chất thay thế có thể giảm thời gian phân hủy xuống chỉ còn trong vài phút.

Sharon Barak và nhóm nghiên cứu của mình đã dành rất nhiều thời gian để trộn khá nhiều các thành phần khác nhau cho đến khi họ tìm được một công thức phù hợp. Chất nhựa “giả” mà Sharon phát minh được làm từ 100% vật liệu thân thiện với môi trường, dễ dàng hòa tan trong nước và có thể trở thành một phần của tự nhiên. 

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về Quản lý Rác thải nhựa ở Đại dương

    06:00, 14/05/2019

  • SP.SAMCO: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

    16:30, 28/04/2019

  • Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Hiệu quả “kép” từ xử lý rác thải thành phân hữu cơ

    20:27, 13/05/2019

  • Ngành xi măng biến rác thải trong sản xuất xi măng thành điện năng

    07:44, 20/03/2019

"Sản phẩm này không phải là nhựa, nhưng nó có vẻ và cảm giác giống như vậy. Điều này thực sự có tiềm năng để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp và sạch sẽ hơn", Sharon cho biết. Hiện tại Sharon và nhóm của cô đang nỗ lực phát triển công ty khởi nghiệp của họ với mục đích phổ biến loai nhựa an toàn với môi trường đến nhiều quốc gia có lượng rác thải lớn trên thế giới.

Cũng tại Israel, các công ty khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia này đã tìm ra cách tạo ra nhựa sinh học thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng rong biển nước mặn. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv, Israel đã nghiên cứu phát triển các polyme sinh học có nguồn gốc từ các vi sinh vật ăn rong biển. Chúng có thể được nhân giống trong nước biển mà không ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt khan hiếm.

Kết quả là một loại polymer phân hủy sinh học tạo ra chất thải không độc hại và tái chế thành chất thải hữu cơ. Nhà nghiên cứu Alexander Golberg, thay mặt nhóm đã đưa ra kết luận, rằng hoàn toàn có thể sản xuất nhựa sinh học dựa vào nguồn tài nguyên biển phong phú bằng một quy trình thân thiện với môi trường và không gây hại tới các cư dân của biển.

Kỹ sư Sharon và các cộng sự đã tìm ra chất thay thế có thể giảm thời gian phân hủy xuống chỉ còn trong vài phút.

Kỹ sư Sharon và các cộng sự đã tìm ra chất thay thế có thể giảm thời gian phân hủy xuống chỉ còn trong vài phút.

"Đã có những nhà máy sản xuất loại nhựa sinh học này với số lượng lớn để đưa ra thị trường, nhưng họ sử dụng những nhà máy cần đất nông nghiệp và nước ngọt. Quá trình chúng tôi đề xuất sẽ cho phép các nước đang thiếu nguồn nước ngọt, như Israel, Trung Quốc và Ấn Độ để chuyển đổi từ nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ sang nhựa phân hủy sinh học", ông Golberg cho biết.

Trước đó, Công ty Solubag của Chile đã đưa ra một giải pháp sử dụng hydro, carbon và một polymer tổng hợp để sản xuất một chiếc túi tạp hóa mà không sử dụng bất kỳ loại nhựa công nghiệp khó tan nào.

Cùng với đó, chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra hỗ trợ các công ty trong nước phát triển các loại nhựa có thể phân hủy trong nước biển. Các loại nhựa sinh học có thể phân hủy trong nước biển do các công ty hóa chất của Nhật Bản, Đức và Italy chế tạo hiện đang thu hút nhiều sự chú ý. Những loại nhựa mới chế tạo này sẽ được các loại men từ các loại vi sinh vật ở biển phân giải chủ yếu thành nước và khí carbonic.

Có thể thấy, đang có một tiềm năng to lớn trong chất thay thế nhựa có khả năng phân hủy sinh học đang được nhiều quốc gia phát triển. Con người có thể sử dụng chất này để bọc thực phẩm, sản xuất chai và với bất kỳ mục đích nào khác mà nhựa thông thường được sử dụng.

Theo các số liệu được công bố, chỉ riêng 6 quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã thải ra biển một lượng rác thải nhựa chiếm đến 60% tổng lượng rác thải nhựa ra biển toàn cầu. Ước tính đến năm 2050, lượng rác nhựa trên toàn thế giới sẽ vượt qua con số 500 triệu khối.

Năm 2018, Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo với tiêu đề "Nhựa sử dụng một lần: Lộ trình cho sự bền vững"  nhằm mục đích thiết lập một chuẩn mực cho các quốc gia để tiến hành các bước chống lại vấn đề toàn cầu về nhựa.

Trong khi nhiều quốc gia như Ấn Độ và Vương quốc Anh và nhiều tổ chức trên thế giới đang bận rộn giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa này, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tiến hành thực hiện những thay đổi hướng tới phát triển bền vững và hạn chế những tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, 80% các mảnh vụn biển là chất thải được xử lý sai cách xâm nhập vào đại dương từ các nguồn trên đất liền. Hiện nay, các nguồn chất thải nhựa lớn nhất đều có ở Ấn Độ dương -Thái Bình dương. Do đó, những sáng kiến về loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn tại các quốc gia Châu Á cần được khuyến khich để hạn chế lượng nhựa bị vứt vào sông và đại dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ kỹ sư Israel sẽ cứu rỗi trái đất!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO