Phát triển AI - Cần hành lang pháp lý phù hợp

YẾN NHUNG 27/03/2024 03:00

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, theo chuyên gia, cần có một hành lang pháp lý phù hợp…

>> Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

Theo đó, tại Việt Nam, AI đã bắt đầu phát triển và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là, AI đã và đang được các tập đoàn, công ty như FPT, VNPT, Viettel nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực (y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...)

tại Việt Nam, AI đã bắt đầu phát triển và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa: ITN

Tại Việt Nam, AI đã bắt đầu phát triển và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, Chính phủ đã nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới; đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đồng thời, xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo AI bậc đại học, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư cho AI thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo…

Thực tế cho thấy, chủ trương của Chính phủ cho lĩnh vực này là hoàn toàn phù hợp, bởi nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã có những nỗ lực nhằm phát triển khung pháp lý và đạo đức để quản lý, kiểm soát và thúc đẩy AI có trách nhiệm.

Cụ thể, cuối năm 2023, Liên minh châu Âu đã thông qua các nguyên tắc trong đạo luật AI Act, dự kiến công bố muộn nhất vào quý II/2024. Đây là bộ luật đầu tiên và toàn diện nhất, có nhiều sáng kiến nhằm đối phó với nguy cơ từ AI. Khác với châu Âu, Mỹ lại xem xét các phản ứng từ khu vực tư nhân để xây dựng cách quản lý AI. Còn Trung Quốc, năm 2023, nước này đã ban hành Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản trị AI có đạo đức. Các nước ASEAN cũng ban hành khuôn khổ chung về quản trị AI (năm 2023),... Đáng nói, ngày 21/3 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI.

>>Bí quyết để trở thành một trong số các kỳ lân AI sáng tạo của AI21 Labs

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển AI vẫn cần một hành lang pháp lý phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển AI vẫn cần một hành lang pháp lý phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, không ít ý kiến cho rằng, những chính sách của Chính phủ chỉ tập trung đến vấn đề phát triển AI mà thiếu định hướng quản trị rủi ro đến từ công nghệ này như: sự bất bình đẳng trong tiếp cận công lý và hưởng thụ; mất tự do và xâm phạm quyền riêng tư; quyền sở hữu trí tuệ và tin giả…

Trong khi, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang ở trạng thái điều chỉnh các quan hệ xã hội truyền thống liên quan đến thể nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân, không gian pháp lý dành cho các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ còn hạn hẹp. Vì vậy, việc xây dựng một khung pháp lý để điều chỉnh việc phát triển AI được cho là cần thiết.

Nhìn nhận liên quan đến vấn đề đã nêu, thông tin với báo chí, PGS.TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật mật mã cho rằng, hiện nay đang có một loạt thách thức đối với phát triển AI ở Việt Nam. Đó là thiếu nhân công về AI; nền tảng mở cho AI (dữ liệu, phần mềm, ứng dụng) mang đặc thù Việt Nam hầu như chưa có. Bên cạnh đó là các thách thức pháp lý như: Địa vị pháp lý của AI; trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI (dân sự, hình sự, hành chính); bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ứng dụng AI; quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng AI...

“Trong bối cảnh AI đang “tăng tốc” và được ứng dụng mạnh mẽ, việc có một chính sách cân bằng giữa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển AI, đồng thời giảm rủi ro, bảo vệ người dùng, rộng hơn là bảo vệ xã hội và con người là yêu cầu đang đặt ra cấp thiết”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam, dựa trên nền tảng và điều kiện quốc gia, Việt Nam cần tìm ra hướng tiếp cận chính sách phù hợp với mình, thay vì chờ đợi sự thành công của các mô hình quản lý AI trên thế giới rồi học tập, vay mượn.

“Với bài toán vừa phải tận dụng thành tựu của công nghệ AI để bứt phá thành quốc gia phát triển vào năm 2045, vừa phải quản lý rủi ro do AI tạo ra để phát triển bền vững, các công cụ chính sách mềm dẻo có thể là lời giải cho Việt Nam, bao gồm chính sách quản lý thử nghiệm và bộ quy tắc ứng xử. Việc sớm hoàn thiện chiến lược và ban hành chính sách phù hợp liên quan đến AI sẽ giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội”, bà Nguyễn Lan Phương nêu ý kiến.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, nhiều ý kiến cũng cho hay, Việt Nam cần phải có những khảo sát, xem xét kỹ càng trước khi đưa ra những quy định liên quan đến AI. Đặc biệt liên quan đến Bộ luật Lao động, phải xem xét thật kỹ các yếu tố của AI tác động đến quyền của người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung, từ đó đưa ra những quy định phù hợp.

Đặc biệt, các chính sách và pháp luật để điều chỉnh cần hướng tới không chỉ thúc đẩy được sự phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với sự tiến hóa của công nghệ, mà còn phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến AI.

Có thể bạn quan tâm

  • Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    01:25, 28/01/2024

  • Hơn 500 học sinh, sinh viên tìm hiểu về ngành học trí tuệ nhân tạo

    Hơn 500 học sinh, sinh viên tìm hiểu về ngành học trí tuệ nhân tạo

    14:04, 05/01/2024

  • Trí tuệ nhân tạo - “Trợ lý đặc biệt” của ông già Noel

    Trí tuệ nhân tạo - “Trợ lý đặc biệt” của ông già Noel

    00:30, 10/12/2023

  • Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng

    Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng

    00:30, 10/11/2023

  • Trí tuệ nhân tạo có thể sa thải kỹ sư công nghệ?

    Trí tuệ nhân tạo có thể sa thải kỹ sư công nghệ?

    02:00, 23/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển AI - Cần hành lang pháp lý phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO