Du lịch nghỉ dưỡng ven đô tại Việt Nam đang sở hữu những tiềm năng rất lớn không thua kém du lịch biển. Tuy nhiên đến nay số lượng những khu du lịch được đầu tư bài bản lại rất khiêm tốn.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.
“Rào cản” phát triển
Tuy nhiên, hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình rất khiêm tốn, có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi, Emeralda Ninh Bình...
Tại Tọa đàm "Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng" do The Leader tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, để phát triển bền vững mô hình du lịch ven đô cần có sự đồng hành và liên kết chặt chẽ giữa 3 bên, đó là chính quyền, cộng đồng dân cư và DN. “Chúng tôi nhận thấy tại một số địa phương chính quyền chưa đồng hành cùng DN, chưa có những hành động, chính sách cụ thể giúp dân cư nhận thức tốt hơn hoặc giúp cho việc phát triển của ngành thêm bền vững ổn định”, ông Thản nói.
Ông Thản cũng dẫn chứng, về môi trường đầu tư, trong các tiêu chí về PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá bao gồm 10 tiêu chí, trong đó việc chính quyền hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề then chốt. Ví dụ: Thái độ thân thiện thể hiện từ việc nghe điện thoại đến việc tiếp đón đều phải như người nhà; vấn đề hỗ trợ đất đai, cơ chế chính sách,… đều phải rất cụ thể, hoặc khi DN gặp khó khăn, chính quyền phải cùng hỗ trợ DN giải quyết.
Đặc biệt, trong quá trình làm thủ tục, vấn đề thời cơ, tiến độ rất quan trọng đối với DN nên rất cần các cơ quan công quyền có trách nhiệm, giúp DN nhanh chóng nhất, càng hạn chế bớt rào cản giúp DN có lòng tin với chính quyền. Bởi với việc vướng mắc những thủ tục đó đã làm hạn chế rất nhiều đến sự phát triển của DN.
Thị trường sẽ tăng trưởng bền vững
Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi cho rằng, trong thời gian tới thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững.
Ông Trung dẫn chứng, một là nguồn khách dồi dào. "Với nhóm khách nội thành có khoảng 4,5 triệu người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ven đô, trung bình đi nghỉ dưỡng 5 – 6 lần/năm, vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 – 30 triệu lượt khách/năm. Đây là thị trường cực lớn và không cạnh tranh, chỉ cần làm tốt việc của mình thì khách tự đến”, ông nói.
Với nhóm khách quốc tế, ông Trung nhận định thị trường ngoại ô đóng vai trò “chia lửa” với thị trường nội đô vốn đang dần trở nên quá tải. “Trong tương lai, Hà Nội sẽ đón gần 30 triệu lượt khách mà chỉ có 1.200 phòng khách sạn 3 – 5 sao trong 5 năm qua. Điều này gây sức ép lớn về nguồn cung cho nội thành. Giải pháp là san sẻ nguồn khách bằng cách kết nối với du lịch ngoại ô. Và với 30 triệu lượt khách đến Hà Nội trong tương lai, ngoại ô chỉ cần chia lửa thôi cũng đã nóng rồi”, ông Trung nói.
Lý do thứ hai khiến thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô tăng trưởng, theo ông Trung là nguồn cung hiện vô cùng hạn chế. “Các vùng xung quanh Hà Nội, kể từ Hòa Bình đến Mai Châu, có chưa đầy 1.600 phòng resort, đáp ứng cho mấy chục triệu lượt khách. Điều này khiến hầu hết khách phải đi lại trong ngày. Với lượng cung này, tôi tin rằng với khả năng xây dựng cực lực thì trong 10 năm tới cũng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Trung lạc quan.
Một lợi thế khác được vị Phó tổng giám đốc của Archi đưa ra là thị trường ngoại ô rất dễ tiếp cận và đang ngày càng dễ tiếp cận hơn do khoảng cách quá gần và ngày càng gần hơn nhờ các tuyến giao thông mới mở.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng nhận định rằng thị trường bất động sản ngoại ô sẽ luôn tăng trưởng tốt, bất chấp nền kinh tế biến động. Lý giải được đưa ra là khi kinh tế đi xuống, những người từng chi trả số tiền lớn để du lịch xa sẽ mất khả năng chi trả và tự động quay về với du lịch ven đô. Ông Trung dẫn chứng các dự án của mình vẫn đông khách ngay từ năm 2014 – thời điểm thị trường không thực sự sáng sủa.
Để ngành du lịch ven đô thực sự phát triển, ông Lương Ngọc Khánh – Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality cho rằng, nhà đầu tư cần am hiểu về thị trường, cần làm việc với các công ty tập đoàn quản lý, các công ty kiến trúc để có những kiến thức thực tế hơn trong lĩnh vực này. Bởi phải hiểu thị trường, hiểu khách hàng mới có thể có những sản phẩm, dịch vụ tốt. Ngoài ra, chính quyền cũng cần có các chính sách quy định về thuế, quy định về an toàn, vệ sinh môi trường một cách cụ thể, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
“Trên thực tế, theo phản ánh của các nhà đầu tư, các thủ tục hành chính thực sự đang làm khó DN. Khi triển khai các dự án DN thường phải qua sở này hoặc văn phòng khác rất nhiều lần để giải quyết. Do đó, rất mong chính quyền sẽ có sự chủ động hơn trong việc hỗ trợ DN trong việc phát triển các dự án theo mô hình này”, ông Khánh kiến nghị.