Phát triển bền vững đang là một xu thế hay đúng hơn là con đường “độc đạo” mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu và coi nó như một lợi thế cạnh tranh hiệu quả mới…
Mà theo như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Phát triển bền vững là đi đến cùng mục tiêu phát triển hùng cường, trường tồn và phồn vinh, thịnh vượng của đất nước”.
Nâng sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp
Cụ thể, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, phát triển theo mô hình phát triển bền vững giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực kinh doanh, để có thể thâm nhập thị trường hiện hữu, đồng thời phát triển bền vững cũng mở cơ hội thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp.
“Nếu các nền kinh tế thực hiện theo 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh trị gia ít nhất 12 ngàn tỷ USD, và sẽ tạo ra ít nhất 380 triệu việc làm, với gần 40% việc làm tại các nước đang phát triển”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
21:37, 22/11/2018
21:27, 22/11/2018
21:21, 22/11/2018
19:47, 22/11/2018
Là một trong số 10 doanh nghiệp được xếp hạng bền vững 3 năm liên tiếp, ông Matt Wilson, giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam vui mừng chia sẻ, tại Heineken Việt Nam, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất.
“Chúng tôi chọn sống xanh thông qua cam kết quan tâm đến Con người, gìn giữ Hành tinh hướng đến Sự Thịnh vượng Chung vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.Chúng tôi gắn phát triển bền vững vào chiến lược hoạt động cốt lõi. Điều này không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng tại Việt Nam cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi”, Ông Matt Wison nói.
Trên thực tế, doanh nghiệp này được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong về thực hiện phát triển bền vững (PTBV) vào sản xuất. Cụ thể, Heineken đã dùng năng lượng sinh khối và áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn: việc thu mua 54.000 tấn vỏ trấu và mùn cưa từ những người nông dân, trong năm 2017 cho phép doanh nghiệp này có thể nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo không phát thải khí carbon tại 4/6 nhà máy bia của chúng tôi trên khắp Việt Nam, giảm một nửa lượng phát thải C02 so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm chi phí nhiên liệu đến 30%.
“Không những vậy, sáng kiến này giúp chúng tôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Việt Nam và hỗ trợ phát triển ngành năng lượng sinh khối tại Việt Nam”, ông Matt Wilson cho biết.
Một câu chuyện khác về phát triển bền vững là tập đoàn Novaland, một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản với bóng dáng của hàng chục dự án quy mô lớn, được đầu tư bài bản phủ khắp thị trường. Khách hàng biết đến Novaland không chỉ là câu chuyện giải pháp nhà ở đơn thuần mà bên cạnh đó là chiến lược phát triển bền vững được triển khai hài hòa trong mỗi hoạt động kinh doanh của Công ty.
Không phải tới bây giờ khi được vinh danh tại bảng xếp hạng doanh nghiệp bền vững 2018 thì câu chuyện thực hiện phát triển bền vững của Novaland mới được biết tới. Theo lãnh đạo tập đoàn này, ngay từ những năm mới đi vào hoạt động, chiến lược phát triển bền vững đã được áp dụng cho mọi quyết định, mọi hoạt động của Công ty. Từ khâu chuỗi cung ứng với chính sách nổi bật là mua 100% sản phẩm và dịch vụ từ nhà cung ứng địa phương, cho đến áp dụng các công nghệ thi công mới nhằm giảm tiếng ồn, bụi phát sinh, rác thải xây dựng… Nguồn nguyên liệu sử dụng được đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường, mang đến giá trị bền vững và sức khỏe cho cộng đồng dân cư không chỉ tại các công trình của Novaland, mà các cộng đồng lân cận.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018
Yêu cầu bắt buộc của phát triển
Nhưng thực tế, ở Việt Nam các doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững như Heineken hay Novaland không nhiều. Có thể thấy, ngoài Heineken và Novaland, trong nước, cũng có những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững có thể kể đến như Bảo Việt, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Traphaco... Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, số những doanh nghiệp này không nhiều. Hầu như mới chỉ có những doanh nghiệp lớn chú trọng, còn lại phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thờ ơ, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang thực hiện PTBV và làm báo cáo bền vững theo kiểu lấy lệ và còn sơ sài. Ít doanh nghiệp biết rằng, quan tâm đến sự PTBV luôn có được phần thưởng lớn hơn công sức mà họ bỏ ra.
Khi nói về câu chuyện PTBV và lợi thế cạnh tranh, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh, lợi thế cạnh tranh bền vững đang là một xu thế, là điều mà các doanh nghiệp luôn tìm kiếm. Lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo, đi trước và thực hiện việc đáp ứng kỳ vọng, mong đợi của khách hàng và các bên liên quan. “Một doanh nghiệp sẽ luôn giữ vị thế ổn định, tiến về phía trước nếu có tổ chức vững mạnh, ở đó cả tập thể đồng lòng và tiếp nối nhau tạo ra những lợi thế bền vững. Đó chính là nền tảng cho một doanh nghiệp bền vững”, ông Vinh nhấn mạnh.
Thực tế, điều mà ông Vinh nói dù không còn là quá mới mẻ, song nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhận ra được chân lý. Đó là, một doanh nghiệp bền vững sẽ góp phần xây dựng nên xã hội bền vững, thịnh vượng. Ngược lại, PTBV giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế và có được niềm tin của khách hàng. Kết quả khảo sát năm 2016 về chiến lược PTBV của 1000 lãnh đạo DN (CEO) đến từ 100 quốc gia và 25 lĩnh vực kinh tế do Liên Hợp Quốc thực hiện cho thấy 89% lãnh đạo DN tin rằng cam kết PTBV sẽ mang lại tác động tích cực cho hoạt động kinh doanh.
Cũng cần nhắc lại, kể từ sau khi 193 nguyên thủ thế giới phê duyệt 17 mục tiêu PTBV toàn cầu vào năm 2015, câu chuyện PTBV đã trở thành nền tảng cốt lõi trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn phát triển một cách bền vững, nhân văn và vì xã hội… Đặc biệt, trong 17 mục tiêu PTBV với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và bất công, và chống biến đổi khí hậu cho tới năm 2030 của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc thực hiện thành công các mục tiêu đó. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố chủ chốt trong việc định hướng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu PTBV.
Rõ ràng, thực hiện phát triển bền vững đang là một xu thế trên toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt. Bởi xu thế tiêu dùng sản phẩm xanh cũng đang là một yêu cầu và là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển bền vững.Và như thế, PTBV đã không còn là sự mơ hồ với doanh nghiệp nữa mà nó đã trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn phát triển.
Tại Lễ Công bố, VCCI đã trao chứng nhận cho 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2018.