Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua đại dịch COVID-19, nhiều mô hình phát triển bền vững cho thấy khả năng thích ứng đối với dịch bệnh, những yếu tố an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu.
>> Phát triển bền vững để thích ứng với tương lai
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững và Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam CSI 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Theo Phó Thủ tướng, hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.
“Các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không hoàn thành nếu không có sự tham gia của người dân trong hợp tác công tư với nòng cốt là các doanh nghiệp. Hợp tác công tư - PPP không chỉ phát huy tiềm lực về tài chính mà còn cả về công nghệ và quản trị cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Chính vì vậy cộng đồng doanh nghiệp cần phải chung tay với Chính phủ để cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Từ thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua, có thể khẳng định, những doanh nghiệp đã sớm lựa chọn định hướng phát triển bền vững cho chiến lược phát triển và áp dụng mô hình quản trị, kinh doanh bền vững đã thể hiện khả năng chống chịu, thích ứng và cạnh tranh tốt trước những thách thức toàn cầu.
>>Kinh tế tuần hoàn - tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững
Kết quả công bố các doanh nghiệp bền vững Việt nam lần thứ 6 năm 2021 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu top 10 phát triển bền vững lần lượt là 55% và 45%; trong top 100 thì tỷ lệ này lần lượt là 63% và 27%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.
Bộ chỉ số CSI do VBCSD - VCCI xây dựng từ năm 2014 đang ngày càng chứng minh được tính hữu dụng, thuận tiện, phù hợp với quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường...
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) chia sẻ: Trải qua 06 mùa triển khai Chương trình đánh giá và công bố doanh nghiệp bền vững, VCCI – VBCSD luôn chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan, phổ biến, cập nhật và hoàn thiện Bộ Chỉ số CSI. Chúng tôi hướng tới việc hoàn thiện các tiêu chí đánh giá ngày càng đa lĩnh vực, đa quy mô.
Bà Cao Thị Ngọc Dung: Chủ tịch HĐQT PNJPhát triển bền vững là xu hướng tất yếu. 3 từ khoá chiến lược về phát triển bền vững của PNJ là: thực chất, chủ động và tầm nhìn dài hạn. Trong đó, thực chất là đi từ giá trị cốt lõi bên trong văn hoá doanh nghiệp. Phát triển bền vững là linh hồn, doanh nghiệp phải đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động tiếp tiếp cận với các chỉ tiêu, với các chương trình phát triển bền vững. Quan trọng hơn, phát triển bền vững phải có tầm nhìn dài hạn, đôi khi phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt được mục tiêu chung. Vốn xã hội của chúng tôi ngày càng tăng lên, đây là nguồn vốn tạo sự phát triển bền vững. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phân công thành viên xây dựng xây dựng các chương trình cụ thể hơn phù hợp với chiến lược phát triển anh và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP TraphacoĐể phát triển bền vững không chỉ là một vài điểm sáng mà là chiến lược của hành trăm doanh nghiệp tại Việt Nam, Công ty cổ phần Traphaco cùng với VBCSD tiếp tục chia sẻ, lan tỏa câu chuyện phát triển bền vững của mình và kêu gọi các Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, áp dụng Bộ chỉ số CSI trong hoạch định Chiến lược và triển khai hoạt động tại doanh nghiệp mình. Có như vậy mới góp phần đưa quốc gia đi tới thịnh vượng. Trong giai đoạn sắp tới, với biến động phức tạp của thị trường và bối cảnh chung sống với đại dịch, Traphaco lấy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị là động lực chính để tăng trưởng, lấy quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp để nâng cao tính chuyên nghiệp của môi trường làm việc, từ đó tạo đột phá và cộng hưởng các giá trị bền vững mà Traphaco đã có được trong gần nửa thế kỷ qua, với mục tiêu và chiến lược kinh doanh rõ ràng, đó là “Duy trì, giữ vững vị thế số 1 đông dược – tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược”. |