Nguyên nhân nào khiến khối lượng doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô của Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng?
Hiện nay, tổng số các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô là 358 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Đây là con số quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Vậy đâu là khó khăn khiến doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam chưa “hùng hậu”?
Trước tiên phải nói rằng, hiện nay, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp đã có. Trong đó, phải kể đến quy định trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển 06 ngành: Dệt may, da-giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là các quy định ưu đã, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, ngày 18/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2020, với nhiều nội dung hỗ trợ nội địa, trong đó bao gồm các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Tuy nhiên theo đánh giá của ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng, Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, do thời gian triển khai thực hiện ngắn nên chưa phát huy hiệu quả rõ rệt do chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện chương trình này.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, khiến cho ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển như kỳ vọng, trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, hay do chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Ngoài ra, còn do chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Nhìn ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết: “Mặc dù chính sách ưu đãi của Việt Nam đã ở mức tối đa, song sự cố gắng của doanh nghiệp vẫn ở mức tầm trung”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận: “Về phía doanh nghiệp, tính tích cực, chủ động của doanh nghiệp cũng chưa cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp khoa học, và còn “yếu” trong tính minh bạch”.
Ngoài ra, cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, khi doanh nghiệp muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng đó là sử dụng lao động phải theo chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được điều này và chưa xây dựng được thông tin sơ lược của doanh nghiệp. Vì vậy, trong quá trình hợp tác không tránh khỏi nhiều lúc “vướng” và sau 3 lần vướng thì doanh nghiệp dễ nản.
Ngoài ra, đề xuất những giải pháp về mặt chính sách trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng, Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương - Lương Đức Toàn đề xuất, cần tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trong đó có ngành ô tô.
Bên cạnh đó là thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm thị trường trong nước và ngoài nước, đặc biệt với một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc..
Thêm nữa, ông Lương Đức Toàn cũng đề xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và quản lý sản xuất, chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ, cũng như phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ.