Thúc đẩy phát triển điểm đến du lịch xanh góp phần “nuôi dưỡng” thương hiệu du lịch Việt lớn mạnh và tăng trưởng bền vững.
Trao đổi với DOANH NHÂN, ông Vũ Quốc Trí - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Những tín hiệu của thị trường du lịch quốc tế cho thấy, du lịch xanh đang trở thành quan tâm và lựa chọn của du khách. Những điểm đến xanh vừa mang đến cơ hội để du lịch Việt Nam mở rộng thị phần khách quốc tế vừa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lữ hành, bảo tồn điểm đến bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu.
- Điểm đến xanh góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt như thế nào, thưa ông?
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 30 q uốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được tầm mà chúng ta kỳ vọng, du lịch Việt Nam phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn bởi còn một số hạn chế tồn tại như số lượng khách du lịch quốc tế; sự đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế và bảo tồn phát huy giá trị. Điểm đến xanh là giải pháp khắc phục hạn chế trên, góp phần quan trọng nâng tầm thương hiệu Việt Nam thông qua mở rộng thị phần khách quốc tế, nhất là du khách có khả năng chi trả cao, khách ưa thích tour du lịch đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phát thải thấp, thân thiện với thiên nhiên. Đây cũng là một trong những giải pháp để xoá dần tính mùa vụ cho du lịch, giảm áp lực cho những điểm đến đang quá tải và hướng đến phát triển bền vững.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP, thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện thành công dự án thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam - mấu chốt đầu tiên trong hành trình phát triển bền vững; xây dựng bộ tiêu chí doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa… Trên cơ sở đó, chúng tôi đang xây dựng bản đồ điểm đến du lịch xanh - tài nguyên to lớn cho ngành du lịch trong thời gian tới.
- Trong những nỗ lực đó, các doanh nghiệp lữ hành đã hành động và chuyển đổi ra sao, thưa ông?
Như tôi vừa chia sẻ, du lịch xanh là xu hướng toàn cầu, là sự lựa chọn của khách quốc tế ở các nước phát triển - phân khúc khách tiềm năng mà du lịch Việt Nam đang hướng đến. Không theo con đường này, chúng ta không nắm bắt được cơ hội và thị trường. Vì vậy, tôi cho rằng các doanh nghiệp đều có nhận thức rằng phải phát triển xanh, du lịch Việt mới bền vững. Tuy nhiên, không thể nói chuyển đổi là sẽ thực hiện được ngay. Quá trình chuyển đổi cần thời gian và chuẩn bị các nguồn lực, từ tài chính, nhân lực đến cơ chế chính sách với sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan. Trong đó, tiên phong là đổi mới tư duy, năng lực quản trị, tầm nhìn dài hạn.
- Ông vừa đề cập đến nguồn lực tài chính, phản hồi từ các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, thực hiện điểm đến xanh cần nguồn lực lớn, thời gian hoàn vốn dài khiến doanh nghiệp khó khăn trong chuyển đổi xanh, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay?
Đúng vậy, rào cản lớn trong chuyển đổi xanh là thiếu nguồn lực. Thực hiện chuyển đổi xanh, nhiều đồ dùng, vật dụng phục vụ du khách làm bằng nhựa phải thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ đang chiếm đa số, có thể là homestay, nhà hàng, doanh nghiệp dịch vụ quy mô nhỏ… Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp vốn đã khá vất vả để tồn tại, nay phải đầu tư mới là cả vấn đề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thiếu kiến thức và kỹ thuật cho chuyển đổi xanh; cơ chế, chính sách hiện nay chưa tạo sự công bằng, động lực và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.
Tôi cho rằng, câu chuyện này không chỉ riêng ngành du lịch song với lĩnh vực được xem là ngành mũi nhọn, đi đầu, các bộ ngành chức năng nên có chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ tài chính (cung cấp các gói vay ưu đãi, giảm thuế); cung cấp kiến thức, kỹ năng thông qua việc hỗ trợ chuyên gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp; chính sách khuyến khích, khen thưởng doanh nghiệp thực hiện tốt cũng như có cơ chế xử lý với đơn vị vi phạm tránh trường hợp, trong cùng điểm đến, doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh có thể bị thụt lùi so với một doanh nghiệp không chuyển đổi.
- Trân trọng cảm ơn ông!