Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng mục tiêu cao nhất là bảo vệ được rừng và mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng dân cư gắn với rừng.
>>>Cần Nghị quyết mới về bảo vệ, phát triển rừng và lâm nghiệp bền vững
Dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sau đó sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp để báo cáo dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng ngày 14/11, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị của hệ sinh thái rừng Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh như cung cấp nguyên liệu, lâm sản ngoài gỗ, phát triển du lịch, dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng.
Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ đáp ứng tối thiểu 80% (năm 2030) và 100% (năm 2050) nhu cầu. 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 (năm 2030) và tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng từ 10-15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Bên cạnh đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp hiệu quả, góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng từ năm 2030. Phát triển dịch vụ môi trường rừng phấn đấu đảm bảo nguồn thu tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.
Duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10-15% so với năm 2020; xây dựng được kế hoạch hành động bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam. Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững, phấn đấu nguồn thu tăng 50% đến năm 2030 và 100% năm 2050.
Ngoài ra, thu hút lực lượng lao động trong lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số đến năm 2030 chiếm trên 50%. Tỷ lệ lao động được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên (năm 2030) và 70% (năm 2050). Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân người lao động dân tộc thiểu số đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2050 lăng gấp 2 lần so với mức thu nhập tại thời điểm 2025.
>>>Phát triển rừng và chế biến gỗ bền vững thông qua "sản xuất xanh"
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, đề án sẽ là bước phát triển mới của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nội dung về khai thác giá trị rừng đã có quy định pháp luật, nhưng cũng có nhiều nội dung chưa có.
Do đó, mỗi địa phương có thể nghiên cứu đến phương án xây dựng một mô hình để làm cơ sở thực tiễn, xem xét, góp ý, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng mục tiêu cao nhất là bảo vệ được rừng và mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng dân cư gắn với rừng. Do đó, các nội dung của đề án cần dành sự ưu tiên cho người dân sống quanh rừng và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để giúp họ có thêm động lực, niềm tin gắn bó lâu dài với rừng.
Đối với hoạt động khai thác du lịch dưới tán rừng, đề án phải giúp các địa phương thay đổi được tư duy phát triển du lịch dưới tán rừng không chỉ có một giải pháp duy nhất là mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà có thể xây dựng chính sách để tập hợp, tổ chức cho cộng đồng người dân sống gần rừng phát triển các loại hình du lịch không tác động, thay đổi hiện trạng rừng (chỉ vào rừng tham quan, trải nghiệm, các hoạt động khác tổ chức ngoài rừng).
Bên cạnh đó, các ban quản lý rừng cũng nên nghiên cứu hình thành trung tâm du lịch do chính mình quản lý, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hiệu quả, bền vững du lịch rừng.
Về phát triển dược liệu dưới tán rừng, hiện nay việc trồng dược liệu của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc miền núi mới chỉ dừng ở việc xóa đói, giảm nghèo. Do đó, đề án cần xây dựng lộ trình, giải pháp dài hơi, hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng dược liệu.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, các viện nghiên cứu cần tập trung bảo tồn, chọn tạo được những bộ giống chất lượng, quy trình canh tác tiên tiến. Các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ những quy định vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân phát triển ổn định hoạt động này.
Có thể bạn quan tâm
15:03, 09/05/2023
16:08, 12/08/2022
19:33, 31/05/2022
02:13, 05/05/2023
20:00, 18/04/2023
11:38, 03/10/2022
02:00, 19/08/2022