“KKT Dung Quất sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia”.
>>Dung Quất sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng Ban Khu kinh tế Dung Quất bày tỏ kỳ vọng trong bài phát biểu tại lễ công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành ngày 28/02/2023, diễn ra sáng nay (30/03/2023).
Ông Phương cho biết, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 20/01/2011. Sau hơn 10 năm thực hiện đã có nhiều bất cập cần được xem xét, rà soát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn phát triển mới.
Vì lẽ đó, ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2011 tại Công văn số 913/TTg-CN và phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 tại Quyết định 1701/QĐ-TTg ngày 30/10/2020.
“Việc Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi lần này là thực sự cần thiết và cấp bách, giúp nhận diện những vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý, thu hút đầu tư xây dựng phát triển KKT Dung Quất trong thời gian qua, đưa ra các đánh giá tổng thể và tìm ra những động lực phát triển trong bối cảnh mới, từ đó đề xuất định hướng quy hoạch xây dựng KKT Dung Quất đến 2045 mang tính đột phá với chiến lược phát triển xanh, sinh thái, thông minh và bền vững”. – ông Phương nói.
Ông Phương cho biết, trong quá trình thực hiện đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành TW và Báo cáo thẩm định số 190/BC-BXD ngày 30/12/2022 của Bộ Xây dựng, ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 tại Quyết định số 168/QĐ-TTg; theo đó, “KKT Dung Quất sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng”.
“Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 là bước đi quan trọng, là nền tảng để KKT Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch - dịch vụ, là hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. - Trưởng Ban Khu kinh tế Dung Quất nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định: Để có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết đó chính là nền tảng quan trọng của các thế hệ lãnh đạo Trung ương và tỉnh nhà qua các thời kỳ; là sự nổ lực, cố gắng đầy trách nhiệm của các Sở ngành địa phương trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tâm huyết, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH và ĐT và các Bộ ngành Trung ương. Đặc biệt là Vụ Quy hoạch kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng và Vụ Công nghiệp thuộc VP Chính phủ đã luôn đồng hành, hỗ trợ đầy trách nhiệm, với tinh thần chia sẻ, định hướng và dẫn dắt về chuyên môn trong suốt hành trình đến với Quyết định điều chỉnh tổng thể QHC KKT Dung Quất.
Theo quy hoạch điều chỉnh, Ranh giới KKT Dung Quất được giới hạn theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 và giữ nguyên theo Quyết định số 168/QĐ-TTg, ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi 1.039,85 ha và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711,15 ha.
Phạm vi bao gồm diện tích của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ cùng phần đất các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề, được giới hạn như sau: Phía Đông: giáp biển Đông. Phía Tây: giáp đường sắt Bắc Nam. Phía Nam: giáp thành phố Quảng Ngãi. Phía Bắc: giáp tỉnh Quảng Nam.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Dung Quất sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, là Khu kinh tế quan trọng của quốc gia; trong đó, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.
Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng biển nước sâu. Là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ; trung tâm du lịch biển đảo của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Mô hình phát triển của KKT Dung Quất trong thời gian tới được tập trung vào 03 trụ cột chính đó là: “Công nghiệp-Đô thị, Du lịch, Dịch vụ”, cụ thể: Phát triển công nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững; trong đó: Tập trung cho công nghiệp nặng có tính chất nền tảng như đóng tàu, luyện cán thép, lọc hóa dầu, hóa chất..., gắn với cảng nước sâu Dung Quất; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; các khu công nghiệp-đô thị nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại chỗ, góp phần phát triển ổn định và thích ứng với lực lượng sản xuất. Tạo bước đột phá về phát triển du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của KKT Dung Quất nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.
Các chiến lược trọng tâm của KKT Dung Quất trong thời gian tới tập trung vào 03 trụ cột trọng tâm đó là: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.
Cụ thể: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: xây dựng các trục, hành lang kinh tế động lực kết nối trực tiếp với cảng biển, sân bay. Đề xuất xây dựng cảng hàng không Lý Sơn tạo bước đột phá mạnh mẽ cho huyện đảo, tiến tới hình thành trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh và vùng trên cơ sở kết nối 03 cực phát triển du lịch là Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê, thành phố Quảng Ngãi. Tăng cường liên kết giao thông đường bộ nội khu với mạng lưới giao thông quốc gia: cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1. Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị kết nối Chu Lai - Dung Quất; Phát triển đô thị là mục tiêu quan trọng cần phải đạt được trong thời gian tới trên cơ sở đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Sớm hình thành các đô thị dịch vụ, đô thị du lịch theo các mô hình đô thị thông minh, đô thị sinh thái thích ứng; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường: Kiểm soát và ưu tiên sử dụng công nghệ mới thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, nhiệt năng...), xử lý nước thải tuần hoàn và cộng sinh công nghiệp.
Về quy mô dân số, đến năm 2030, Khu kinh tế Dung Quất khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85%. Tầm nhìn đến năm 2045, dân số khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%.
Về định hướng phát triển, cơ cấu phân khu chức năng toàn khu kinh tế được chia làm 05 phân khu chức năng chính, gồm: Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; Phân khu đô thị Lý Sơn.
Theo quy hoạch, các khu chức năng trong Khu kinh tế Dung Quất được điều chỉnh, sắp xếp lại như: Trung tâm điện lực Dung Quất bổ sung Trung tâm điện khí, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040 ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung, trong đó các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 4.215 ha (Khu công nghiệp Tây Dung Quất, khoảng 355 ha; Khu công nghiệp Đông Dung Quất, khoảng 2.205 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước I, khoảng 610 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước II, khoảng 305 ha; Khu công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 138 ha; Khu công nghiệp VSIP, khoảng 582 ha; Cụm công nghiệp Bình Nguyên, khoảng 20 ha); quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 75 ha; Quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khoảng 3.750 ha (Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất I, khoảng 165 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất II, khoảng 1.085 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh, khoảng 2.500 ha).
Bên cạnh đó, quy hoạch cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608 ha, trong đó khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153 ha; trung tâm dịch vụ hầu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155 ha.
Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 04 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi), trong đó đất xây dựng dân dụng khoảng 9.365 ha (bao gồm đất đơn vị ở, đất công cộng, cây xanh, giao thông đô thị, và các thiết chế công đoàn lao động). Ngoài ra, quy hoạch khu du lịch, khu dịch vụ tập trung, với diện tích khoảng 713 ha, gồm: Khu vực Thiên Đàng - Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh; đầm Thuận Phước, thuộc xã Bình Thuận; biển Lệ Thủy, Gành Yến thuộc xã Bình Trị và Bình Hải; biển Bình Châu thuộc xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn.