Với việc được công nhận nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam với nghề trồng quất (quật) tại xã Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, địa phương này đang hướng đến hình thành các sản phẩm du lịch đi kèm.
>>Phát huy tiềm năng các làng nghề Hội An để phục vụ du lịch
Đến thời điểm hiện tại, Cẩm Hà vẫn là một xã nông thôn của thành phố Hội An, đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Theo đó, tại địa phương này có diện tích tự nhiên hơn 613 ha, trong đó có hơn 65 ha trồng quất và hoa cây cảnh. Thu nhập từ kinh tế vườn mà đặt biệt là cây quất ngày càng tăng cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Vào năm 2013, nghề này mang lại doanh thu gần 15 tỷ đồng với thị trường tiêu thụ từ Quảng Bình đến Nha Trang. Đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu đã lên đến 45 tỷ đồng, vào năm 2023, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng.
Riêng trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, nông dân Cẩm Hà đã trồng 65.000 chậu quất cảnh cùng 350.000 cây quất đất. Theo kỳ vọng, doanh thu năm nay vẫn đạt tương đương năm 2023 dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay địa phương đã ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng các làng hoa cây cảnh tại các thôn Bàu Ốc, Đồng Nà, Trảng Suối. Từ thành công của mô hình chuyên canh kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà đã khuyến khích các hộ, cá nhân liên kết thành lập tổ hợp tác làm dịch vụ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch.
“Tại Cẩm Hà đã định hình các vùng sản xuất quất tập trung, một số mô hình sản xuất được nhân rộng. Cùng với quất chậu, đã có thêm nhiều hộ gia đình làm quất thế, quất bonsai và các sản phẩm chế biến từ quật. Mô hình sản xuất quất hữu cơ đã được xây dựng, kết hợp mô hình tham quan chế biến tại các vườn quất. Ngày 4/12/2023 sở NN& PTNT tỉnh Quảng Nam đã ban hàng quyết định số 631/ QĐ- SNN&PTNT về việc công nhận và cấp bằng công nhận nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam cho 6 nghề trong đó có nghề trồng quất xã Cẩm Hà. Đây là sự ghi nhận rất lớn trong sự hình thành và phát triển nghề trồng quất của xã nhà”, ông Phương cho biết.
Thông tin từ ông Mai Kim Phương, nối tiếp thành công “Nghề trồng quất Cẩm Hà” được công nhận nghề truyền thống, thời gian đến địa phương sẽ quan tâm định hướng đến việc nâng cao chất lượng, kỹ mỹ thuật trồng cây quất cảnh để nâng cao giá trị cây quất, tìm hướng đi mới phát triển mô hình quất đất hữu cơ để tạo ra các sản phẩm sạch từ trái quất. Đồng thời, định hình, liên kết các nhà vườn trong xã để có thể phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch từ nông nghiệp như tham quan và checkin vườn quật, quy trình trồng cây quất cảnh, trực tiếp trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây quất.
Theo ghi nhận, hầu hết vườn quất tại làng quất Cẩm Hà nay đã được các thương lái đặt cọc để mua hết vườn. Nhiều nhà vườn trồng quất cảnh chia sẻ, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây quất phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Qua tìm hiểu, làng quất Cẩm Hà được xem là “thủ phủ” quất cảnh của miền Trung - nơi cung cấp quất số lượng lớn cho các địa phương lân cận, các tỉnh Tây Nguyên và Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Với mức giá hiện tại, chậu lớn tại vườn có giá dao động từ 7-12 triệu đồng, chậu tầm trung từ 2-5 triệu đồng, “quất mini” có giá vài trăm nghìn đồng.
Ông Nguyễn Bình (thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) cho hay năm nay gia đình ông trồng hơn 1.600 cây quất loại lớn và khoảng 9.000 quất loại nhỏ. Được biết, thương lái đã đặt mua toàn bộ, ông chỉ giữ lại số lượng ít để bán lẻ.
“Quất cảnh năm nay được mùa được giá, các cây lớn trong vườn có giá từ 7-12 triệu đã được thương lái đặt mua từ sớm. Dự kiến năm nay gia đình tôi thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ các chi phí ra lợi nhuận còn khoảng 40%”, ông Bình chia sẻ.
Cùng với việc được công nhận nghề truyền thống, địa phương này cũng đã có kế hoạch phát triển làng nghề trở thành điểm đến cho du lịch bên cạnh làng rau Trà Quế đã nổi tiếng từ lâu. Trong đó, các sản phẩm chính sẽ là trải nghiệm nghề trồng quất như ươm giống, chăm sóc, tạo thế cho cây quất,...
Được biết, hiện nay đã có một số doanh nghiệp du lịch tại địa phương đã xây dựng các tour tham quan làng nghề tại Hội An như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế cũng đã có kế hoạch kết nối đến làng quất Cẩm Hà. Việc gắn kết các làng nghề tại Hội An được xem là một giải pháp hữu hiệu để hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh cho địa phương, cùng với đó thực hiện giải pháp chung về giảm tải cho “vùng lõi” là Khu phố cổ Hội An và rừng dừa Bảy Mẫu.
Có thể bạn quan tâm