Bình luận

Phát triển ngành cơ khí: Cần đưa vào Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 07/08/2024 04:00

Để cơ khí có thể phát huy được tiềm năng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, theo chuyên gia, cần đưa ngành này vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và hưởng những chính sách ưu đãi nhất...

Thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, hiện ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Trong đó, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85 - 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

phat-trien-nganh-co-khi-24.5.1.2.jpg
Thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, hiện ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô - Ảnh minh họa

Không chỉ có vậy, thời gian qua, ngành này cũng đã từng bước làm chủ công tác thiết lập, chế tạo kết cấu thép, và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn thì nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước đã thể hiện rõ năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...

Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao sản xuất, phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, phục vụ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã nêu, ngành cơ khí trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là về thị phần bởi cơ chế, chính sách chưa thật sự hoàn thiện. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh.

phat-trien-nganh-co-khi-24.5.1.1.jpg
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành cơ khí trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là về thị phần bởi cơ chế, chính sách chưa thật sự hoàn thiện - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, chuyên gia Đào Phan Long – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) thẳng thắn, dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành,sản phẩm của đa số doanh nghiệp trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt chúng ta thiếu những cánh chim đầu đàn cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.

Và để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, vị chuyên gia này cho rằng, có thể nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỉ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

“Ngành cơ khí cần được đưa vào các chương trình phát triển với những ưu đãi nhất định về thuế, vốn, thị trường… bởi đây là ngành sản xuất nền tảng, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng quan điểm, thông tin với báo chí trước đó, ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội cũng cho rằng, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian sắp tới; cơ chế chính sách hỗ trợ sớm ban hành và đi vào thực tế hơn để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng hợp tác và chia sẻ thị trường, mang lại sự phát triển bền vững”, vị này kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho hay, để giải quyết vấn đề của ngành cơ khí, cần có một số ưu tiên như: tạo dựng nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn theo đặc thù sản xuất cho các doanh nghiệp ngành cơ khí; ban hành các quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước; tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển ngành cơ khí: Cần đưa vào Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO