Chính sách - Quy hoạch

Phát triển nhà ở xã hội tại Hải Phòng: "Trên quyết liệt, dưới lại tắc"

Diệu Hoa 02/09/2024 05:00

Mặc dù số lượng nhà ở xã hội đã và đang thực hiện tại Hải Phòng khá lớn nhưng việc thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết và bệnh "sợ trách nhiệm" khiến nhiều thủ tục vẫn vướng.

noxh-hai-phong.jpeg
Hải Phòng đang thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội.

Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Hải Phòng được giao hoàn thành 33.500 căn từ nay đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thành 15.400 căn; giai đoạn 2026 – 2030, hoàn thành 18.100 căn.

Từ năm 2022 đến nay, Hải Phòng đã khởi công và đang xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 15.000 căn. Dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành xong phần thô, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 là 15.400 căn.

Ngoài ra, Hải Phòng đã định hướng, quy hoạch, bố trí quỹ đất khoảng 42 địa điểm với diện tích gần 500 ha để thực hiện các dự án.

Đồng thời, để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, thành phố Hải Phòng thực hiện công khai quy trình, giá cả, tiêu chuẩn với người mua; nghiêm cấm phiền hà, sách nhiễu; đầu cơ, thổi giá, thu phí chênh lệch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội và chủ đầu tư trong việc kinh doanh sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Tô Hùng, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Hải Phòng, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc Recbook, hiện vẫn xảy ra tình trạng “trên làm quyết liệt nhưng dưới lại tắc”. Các cấp chính quyền thành phố đã rất sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân. Nhưng đến các đơn vị trực tiếp triển khai, như cấp xã, thì lại “ách tắc”, một phần do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, một phần do sợ trách nhiệm, không dám làm.

1-3333.jpeg
Người mua nhà vẫn gặp khó khi mua nhà ở xã hội do thiếu hướng dẫn chi tiết.

Đơn cử, Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ đầu tháng 8, đã có quy định, trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Song trên thực tế, theo ông Hùng, dù người dân đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng khi đi làm thủ tục để hoàn thiện hồ sơ mua nhà lại gặp phải khó khăn khi không được văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thực trạng nhà ở, không được UBND cấp xã xác nhận điều kiện về thu nhập với trường hợp lao động tự do, không ký hợp đồng lao động.

Lý do được đưa ra, với văn phòng đăng ký đất đai là do chưa có hướng dẫn của Sở Tài nguyên và môi trường. Còn đối với UBND cấp xã, cán bộ quản lý cũng cho biết chưa được hướng dẫn cụ thể về căn cứ nào để xác định mức thu nhập của các lao động tự do.

Một vấn đề nữa là, theo quy định hiện hành, ngân hàng chính sách Nhà nước sẽ tiếp nhận hồ sơ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khi có hợp đồng mua bán dẫn đến tình trạng xong hợp đồng mua bán, tới ngân hàng chính sách vay thì nhận được câu trả lời là “chưa có vốn, do chưa được cấp từ nguồn”. Khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp sang sẽ giải quyết cho các hồ sơ Ngân hàng Chính sách xã hội đang thụ lý. Còn cụ thể khi nào thì chưa biết?

Những khó khăn này cũng là tình trạng chung, đang xảy ra tại nhiều địa phương có dự án nhà ở xã hội đang mở bán.

Do đó, theo ông Tô Hùng, các cơ quan theo thẩm quyền cần nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Đồng thời khẩn trương tuyên truyền, tố chức các chương trình phổ biến kiến thức, tập huấn cho các đơn vị trực tiếp triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nhà ở xã hội tại Hải Phòng: "Trên quyết liệt, dưới lại tắc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO