PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững

NHÓM PHÓNG VIÊN 28/06/2023 15:20

Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn.

>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Đầu tư vào nông nghiệp - sứ mệnh của doanh nhân Việt

Nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”. 

Diễn đàn diễn ra ngày 28/6/2023 tại Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở KH&ĐT Long An, Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Long An, Tổ chức Oxfarm VN tổ chức chiều 28/6/2023 tại Long An.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở KH&ĐT Long An, Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Long An, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức chiều 28/6/2023 tại Long An.

Diễn đàn có sự tham dự của: Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; và hơn 300 khách mời đến từ các Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại diện các Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT các tỉnh ĐBSCL cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Long An, khu vực Đông và Tây Nam Bộ và doanh nghiệp trực thuộc Eurocham. Về phía ban tổ chức có: Ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ); Công ty CP Phân bón Bình Điền; Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam - Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNVVV ngành gia vị rau quả Việt Nam....

ĐẦU TƯ VÀ NÔNG NGHIỆP - SỨ MỆNH CỦA DOANH NHÂN VIỆT

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn.

Và để thực hiện điều này, bên cạnh người Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao, thậm chí để thành công thì người nông dân cũng sẽ cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn- Ảnh: Đình Đại.

Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn- Ảnh: Đình Đại.

“Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới: ‘Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có’ càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng khẳng định, vai trò của doanh nghiệp thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng mà còn “chinh phục” thị trường thế giới.

"Dẫu biết, đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận thì mỏng, bấp bênh, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta, cơ hội thành công vì thế cũng rất lớn và đặc biệt hơn, là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh". - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

CẦN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chia sẻ: ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Đây là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

Theo ông Út, thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Ông Út cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Long An đã tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện, lan toả là cơ hội lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các vị Chủ tọa tại Diễn đàn.

Các vị Chủ tọa tại Diễn đàn.

>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Cần cơ chế chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Tuy nhiên, theo ông Út, trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có tiến triển, song vẫn còn thiếu yếu tố bền vững, chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao.

Ngoài ra, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.

Do vậy, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng phát triển hiện nay.

“Chính vì thế, Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 chủ đề: “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” hôm nay được tổ chức, có sự tham dự của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm giới thiệu định hướng phát triển nông nghiệp, trao đổi, thảo luận những vấn đề then chốt, chiến lược cho lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến khó lường. Qua đó, gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp, các cơ chế chính sách đột phá để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng, tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Út nhấn mạnh.

THU HÚT “ĐẠI BÀNG” ĐỪNG QUÊN “CHIM SẺ”

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện tại, chúng ta bắt đầu hành trình xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Ông chia sẻ, tuần trước, ông có tham dự Diễn đàn Bộ trưởng nông nghiệp các nước G20.

Ông cho rằng, cả thế giới đều đang đối mặt các vấn đề về biến đổi khí hậu, khó khăn nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, là bối cảnh chung của thế giới.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.

“Kết thúc diễn đàn với ý: VUCA sẽ mãi mãi đi theo chúng ta. Trong khó khăn đó, mỗi quốc gia cần phải tự tìm lấy giải pháp. Chấp nhận khó khăn là thực trạng, hiện thực khách quan, phải tự thay đổi để tự tìm giải pháp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt câu hỏi: Có một quốc gia nào có thể đứng một mình mình độc lập, một tập đoàn, một doanh nghiệp tự giải quyết các vấn đề này không?

Đồng thời, ông cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải cần nhau, không thể sống biệt lập mà phải mở rộng tiếp thu các tinh hoa. Đã đến lúc chúng ta phải tiếp cận cách tiên tiến. Cần các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia chung tay đóng góp cho nông nghiệp nước nhà, đóng góp hơn là chỉ trích.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tất cả chúng ta ở thế hệ hôm nay đừng vì lí do sinh tồn lấy đi những gì của tương lai, đừng đánh đổi tài nguyên môi trường đa dạng sinh thái vì tăng trưởng.

“Israel có ủy ban “vì thế hệ tương lai” thẩm định xem các dự án có lấy đi của thế hệ tương lai hay không. Thu hút đầu tư là bài toán khó vô cùng. Bộ KH&ĐT đang sửa đổi Nghị định 57 để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, chúng ta có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu doanh nghiệp, nhưng chúng ta có 50 triệu hộ nông dân. Do đó, để phát triển bền vững thì cả doanh nghiệp và hộ nông dân đều phải phát triển củng nhau. Nếu đứt gãy một trong hai thì sẽ không bao giờ bền vững.

>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút “đại bàng” đừng quên những “chim sẻ”

Hiện nay, thế giới đang tiếp cận khái niệm về nền kinh tế bao trùm, tư duy phát triển để thay thế tư duy tăng trưởng. Nếu không giải quyết được bài toán hài hòa giữa các bên thì sẽ không có bền vững. Doanh nghiệp sẽ lún vào con đường đầy khó khăn.

“Doanh nghiệp cần lợi nhuận, nhưng nếu nói đó là mục tiêu nhất thiết đạt được thì không phải mà phải là tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và đạt được lợi ích lợi nhuận thông qua đó”, ông Hoan nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương khi quan tâm thu hút “đại bàng” thì cũng đừng quên những con “chim sẻ”, hợp tác xã, những hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần nâng cánh “chim sẻ” để tạo hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tổng thể. Ông cũng mong muốn các chủ đề hôm nay ngoài cơ chế chính sách, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ điều đó.

Theo ông Hoan, muốn hiểu nông nghiệp bền vững là gì, trước hết phải biết “nông nghiệp là gì?”. Ông cho rằng, nông nghiệp hiện nay không phải là đơn giá trị mà phải tích hợp đa giá trị và những khái niệm về nông nghiệp gần đây đã được mở rộng rất nhiều như: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp điện quang, nông nghiệp du lịch... Đồng thời, xem đó là một nền kinh tế mới, một giá trị rộng hơn, sâu hơn trước. 

“Long An đủ chỗ cho tất cả doanh nghiệp tới và ứng dụng tất cả các sáng kiến mới mẻ nhất, chứ không chỉ dừng lại ở sản xuất, thu mua, chế biến. Giá trị cao nằm ở các đổi mới sáng tạo, từ một sản phẩm ra hàng trăm nghìn sản phẩm, có hàm lượng tri thức cao hơn, phục vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải đi cùng nhau, tìm kiếm thêm nhiều hướng đi, ứng dụng công nghệ để tạo ra các giá trị mới, tạo ra giá trị tuần hoàn trong chuỗi mang lại giá trị cao gấp nhiều lần.

ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có một mong muốn và khát vọng làm sao thu hút được nhiều vốn vào nông nghiệp. Nếu thống kê cả nước, Bến Tre có số dân đông nhất sống trong thôn làm nông nghiệp, chiếm tới 85% dân số.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Ông Sơn cho rằng, Bến Tre xem kinh tế nông nghiệp là nền tảng và tổng lực để phát triển mặc dù nhiều người cho rằng làm nông nghiệp dù không nghèo nhưng cũng khó giàu nhanh như công nghiệp.

“ĐBSCL là vùng có đầy đủ cơ sở pháp lý về mặt chủ trương đường lối của Đảng, các chương trình của Chính phủ cũng như quy hoạch. Đây cũng là một trong những vùng được ban hành quy hoạch vùng sớm nhất”, ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các địa phương cần dựa vào đặc điểm riêng của mình để có thể có cơ chế thu hút đầu tư cho phù hợp, tránh cạnh tranh lẫn nhau. “Bến Tre có lợi thế chính là kinh tế thủy sản và kinh tế dừa. Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với hơn 70.000ha. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm dừa, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu đô”, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết.

Theo ông, kinh tế thủy sản, tôm và các loại cá, nghêu cũng là thế mạnh và có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hoạt động chế biến. Tuy nhiên, ông Sơn nhìn nhận, Bến Tre có một vấn đề là nuôi tôm nhiều nhưng chưa có nhà máy chế biến, mới chỉ là cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh có nhà máy chế biến tôm. “Bến Tre hiện đang có đề án 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao và mong muốn có nhà máy chế biến tại địa phương”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Trúc Sơn, hiện nay, hạ tầng tại vùng ĐBSCL đang được Chính phủ đầu tư mạnh và nhiều chưa từng có như: cảng biển, hàng không, thủy lợi, v.v.. Đây là điều kiện thuận lợi và cần quy hoạch để quỹ đất thu hút được các nhà đầu tư.

>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm

Tập trung vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện có của địa bàn, lấy những doanh nghiệp dẫn đầu để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre. Ví dụ, ngành dừa đang hoàn toàn là các doanh nghiệp của Bến Tre khai thác. Bến Tre cũng muốn áp dụng công nghệ cao để phát triển hơn ngành dừa.

Đối với nguồn nhân lực, ông Sơn cho rằng, hiện nay, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp đang rất khó khăn. Các lao động trẻ “chảy” sang các tỉnh công nghiệp khác. Các doanh nghiệp nông nghiệp tuyển dụng cũng rất khó khăn. Đây cũng là một vấn đề cần chú ý.

Ngoài ra, Bến Tre cũng tìm cách phát triển các thị trường ngách. Do Bến Tre có lợi thế nuôi tôm rừng, phát triển rừng để phát triển các thị trường ngách.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây…

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đang mở ra cơ hội thu hút dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục…

Theo ông Hiệp, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng cần đẩy mạnh giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ chương trình hợp tác, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật nội dung hợp tác vùng và nội dung hợp tác song phương với từng địa phương để cùng thúc đẩy đầu tư phát triển, thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hai chiều về lĩnh vực nông nghiệp qua truyền thông đa phương tiện (trao đổi giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý), thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung, cầu và mở rộng qui mô thị trường.

Thứ hai, cơ chế thúc đẩy hợp tác đầu tư hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản thể hiện một số nội dung.

Cụ thể: Xây dựng kênh diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Thành phố và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số; Liên kết với các tỉnh, thành đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các điểm du lịch tại Thành phố và các tỉnh, thành trong vùng. 

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động liên kết vùng, khảo sát học tập kinh nghiệm xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu trong Thành phố và các tỉnh, thành trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ; Xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, khai thác giá trị di sản văn hóa của các địa phương đảm bảo tính đặc sắc, độc đáo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách.

Xây dựng một số chương trình du lịch nông nghiệp cho du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có cung cấp các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của địa phương một cách tốt nhất; Tổ chức và tham gia triển lãm giới thiệu du lịch kết hợp nông nghiệp tại các chương trình Tuần lễ văn hóa, du lịch và các hội chợ, Festival trong và ngoài Thành phố. Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng thí điểm các điểm dừng chân tại các địa điểm du lịch.

Trong đó, hỗ trợ thông tin trong các khâu của chuỗi cung ứng nông sản. Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết hình thành vùng sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản. Đặc biệt, hỗ trợ truyền thông xúc tiến thương mại các sản phẩm tham gia chuỗi, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thông qua chứng nhận an toàn thực phẩm, tem điện tử truy xuất được nguồn gốc, thương mại điện tử, sàn giao dịch nông sản, các ấn phẩm truyền thông, hội chợ và triển lãm tại Thành phố và các tỉnh, thành.

Các doanh nghiệp trao đổi tại Diễn đàn.

Các doanh nghiệp trao đổi tại Diễn đàn.

Thứ ba, cơ chế thu hút các nhà đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản và các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, tăng cường kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các trung tâm logistics, các chợ đầu mối nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tư, cơ chế đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gắn với phát triển hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng; kết nối giữa trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh với hệ thống các trung tâm logistics tại các vùng sản xuất, các trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng tại các tỉnh đồng bằng sông Cử Long và các trung tâm logistics nông nghiệp xuất khẩu.

Thứ năm, cơ chế đa dạng hóa các hình thức liên kết, có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia như: doanh nghiệp liên kết với Nhà nước và nông dân; doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân; nông dân liên kết với nông dân và doanh nghiệp.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT đánh giá, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT

Ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT.

Theo ông Đạt, gần 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 được ban hành, sự phát triển các doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa sáng tạo, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.

“Nhận thức được vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xác định các doanh nghiệp sẽ là ‘đầu tàu’ trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, ông Đoàn Đạt chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Đoàn Đạt cho rằng, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định 57 giai đoạn vừa qua, đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số nội dung như:

Thứ nhất, các căn cứ pháp lý ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã được điều chỉnh, sửa đổi gồm: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, do đó các quy định tại Nghị định cần được rà soát đảm bảo phù hợp với các Luật mới đã được ban hành.

Thứ hai, giai đoạn 2016-2020, ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các địa phương chủ yếu tập trung nguồn vốn bố trí cho kết cấu hạ tầng, còn ít nguồn vốn bố trí để thực hiện Nghị định 57. Giai đoạn 2016-2020, chỉ có 15 địa phương cân đối, giải ngân từ nguồn vốn trung ương để thực hiện Nghị định với tổng số vốn là 113,505 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn bổ sung để thực hiện Nghị định. Đây được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến Nghị định triển khai không đạt mục tiêu đề ra.

Thứ ba, một số quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP còn chưa rõ hoặc chưa đồng bộ với các Luật hiện hành như: Quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trùng lặp với ưu đãi theo quy định tại pháp luật đất đai; Trình tự thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư của dự án còn có những cách hiểu khác nhau giữa Quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và theo Nghị định 57...

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Đào Đạt cũng cho rằng, Nông nghiệp, kinh tế nông thôn hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới, cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách đáp ứng bối cảnh mới.

Cụ thể, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Việc loại bỏ thuế suất với các mặt hàng nông sản chế biến sẽ khuyến khích công nghiệp thực phẩm đầu tư sản xuất các mặt hàng cho thị trường này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến. Các FTA được ký kết vừa tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới vừa tạo ra thách thức mới cho nông sản Việt Nam nhất là nông sản hữu cơ và nông sản sạch.

“Do vậy, cần thiết có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp đảm bảo có thể chủ động, đủ khả năng hòa nhập khi các FTA được thực thi đầy đủ”, ông Đạt nhấn mạnh.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, để ngành nông nghiệp tiếp tục tỏa sáng, phát triển và đóng góp vào sự phát triển bền vững cũng như mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam, Chính phủ chắc chắn đóng một vai trò hết sức quan trọng. 

ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam.

>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

Ông dẫn chứng, nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chè, v.v.. Những sản phẩm này thuộc nhóm áp dụng các biện pháp hỗ trợ ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước, ưu đãi về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, v.v..

Chưa hết, Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP nhằm tạo điều kiện tiếp cận tín dụng, triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp và các biện pháp hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp cũng như các khu vực nông thôn. 

HSBC cam kết nhiều khoản hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp tới nông dân, khoản hỗ trợ lên tới 12 tỷ đô tới năm 2030.

Cũng theo ông Surajit Rakshit, cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp cũng đã được khẳng định trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt năm 2022.

Theo đó, dự báo mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp sẽ đạt 2,5-3% mỗi năm. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30%. Đồng thời, ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

“Mới đây, Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch tổng thể này đã được ‘thai nghén’ suốt gần ba năm, trong đó nhấn mạnh khoản đầu tư rất lớn cần thiết để phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Nhu cầu này mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp năng lượng nước ngoài. Khi đi vào thực hiện, quy hoạch này cũng sẽ có tác động không nhỏ lên ngành nông nghiệp”, ông Surajit Rakshit nhận định.

Ông Surajit Rakshit cho rằng, Việt Nam ký 15 hiệp định tự do thương mại, Việt Nam đang là một nước cung cấp hàng đầu hạt điều cho Châu Âu. Châu Âu cũng là nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39% kim ngạch xuất khẩu.

"Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn như lạm phát, biến đổi khí hậu toàn cầu, khó khăn nguồn nhân lực, nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam thì tiềm năng nông nghiệp Việt vẫn rất là lớn", ông Surajit kết luận.

CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Ông Paul-Antoine Croize - Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản EuroCham cho biết, hàng Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần tại châu Âu. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế hiện có, trước tiên Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít độc hại, ít hoá chất để có thể sẵn sàng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Ví dụ như sản phẩm hạt điều của Việt Nam đã tạo được thương hiệu tại thì trường Châu Âu.

Ông Paul-Antoine Croize - Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản EuroCham

Ông Paul-Antoine Croize - Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản EuroCham

Việt Nam là nguồn cung ứng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản toàn cầu, không chỉ với các loại cây trồng chính như lúa, cà phê, chè, mà còn với các loại trái cây nhiệt đới (vải thiều, thanh long…).

“Theo tôi được biết thì Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng hoá chất đối với các sản phẩm. Vì vậy, nếu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt về về hoá chất sản phẩm nông nghiệp đúng như khuyến cao sử dụng sẽ thành công, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao hơn” - Ông Paul-Antoine Croize nói.

Tuy nhiên, theo ông Paul-Antoine Croize thách thức chính vẫn là thiếu đầu tư về mảng tiếp thị và xây dựng thương hiệu, cũng như trong chế biến sâu. Do đó, trong khi các sản phẩm của Việt Nam đạt khối lượng giao dịch lớn, thì vẫn thua thiệt về giá. Ví dụ Việt Nam đứng thứ nhất về lượng xuất khẩu hạt tiêu nhưng chỉ đứng thứ 8 về giá xuất khẩu hạt tiêu. Hơn 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam thậm chí không có thương hiệu, logo, nhãn mác của Việt Nam. Những khoảng cách giá đó là do thiếu thương hiệu và thiếu chế biến. 

Theo ông, để tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ châu Âu cần giá cả, số lượng và đáp ứng các tiêu chí nhập khẩu. Thành công trong hệ thống phân phối bán lẻ châu Âu đòi hỏi phải giành được niềm tin của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi đầu tư tiếp thị, truyền thông và những yếu tố phải được thực hiện tại địa phương.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn cần sự hỗ trợ và đầu tư của các nhóm, doanh nghiệp hoặc cơ quan có ảnh hưởng lớn hơn. Ví dụ điển hình là quả Acai (acai berry) hay còn gọi là cơm cháy đen - một loại trái cây của miền Bắc Brazil có giá trị dinh dưỡng tuyệt vời nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Cho đến khi gia đình Gracie (gia đình nổi tiếng trong thế giới Ju-Jitsu và MMA của Brazil) tiếp thị như một loại siêu thực phẩm thì ngày nay, Acai mới được bán với giá cao ở khắp châu Âu. 

Về sơ chế, ví dụ điển hình nhất là hạt điều. Đây là bước đầu tiên để mở khóa các giá trị. Những yêu cầu chính là chất lượng sản xuất và sự ổn định về khối lượng đầu ra. Bên cạnh đó, theo ông Paul-Antoine Croize, cách tiếp cận OCOP là một trong những giải pháp, bởi, mỗi xã một sản phẩm mang lại giá tốt hơn và lợi thế chuyên môn hóa. Rượu vang sủi bọt Champagne của Pháp là một ví dụ. Champagne trắng chỉ được sản xuất trên diện tích 33.000 ha, nhưng mang lại 4,7 tỷ Euro vào năm 2015.

Như vậy, “để hàng hoá Việt Nam có thể sang thị trường Châu Âu hiệu quả và đạt chất lượng cao thì Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít hoá chất để cạnh tranh, đầu tư cho chế biến sâu. Vả tôi tin Việt Nam có thể làm được điều này” – ông Paul-Antoine Croize nhấn mạnh.

Chia sẻ tại phiên thảo luận của Diễn đàn, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời thông tin về chất lượng an toàn, cụ thể là việc sử dụng thuốc trừ sâu dẫn tới sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vào thị trường khó tính.

ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời.

Đây là một vấn đề thực tế, nếu không được giải quyết thì sẽ còn tồn tại lâu dài, và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị những thiệt thòi rất lớn, ví dụ như sản phẩm giá bán thấp, danh tiếng không được tốt.

Một rào cản rất lớn nữa theo ông Thòn là chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia giàu đối với nông sản của các quốc gia có nền nông nghiệp còn hạn chế.

Đối với sản phẩm của doanh nghiệp thì từ lâu Lộc Trời đã vượt qua tất cả tiêu chí khó nhất để vào thị trường khó tính, ví như 632 chỉ tiêu của người Nhật. Gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đủ điều kiện vào Châu Âu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trải nghiệm văn hóa đều có thể đạt được tiêu chuẩn châu Âu. Lộc Trời khẳng định hoàn toàn có khả năng sản xuất khoảng 100 đến 200 ngàn tấn cho thị trường khó tính như EU hay Nhật cả về thời gian lẫn khối lượng giao hàng.

Nhưng theo ông Thòn, rào cản chính là thuế bảo hộ. Nếu các nước lớn không sử dụng quyền thương lượng quá lớn đối với các quốc gia nhỏ thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm có con số xuất khẩu gạo tốt hơn nữa.Người ta nói, “sản xuất lúa gạo không giàu”, nhưng Lộc Trời khẳng định hoàn toàn có thể làm giàu. Nếu bỏ được bảo hộ thì Việt Nam sẽ là nước sản xuất gạo phát triển. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn cho rằng, để xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững cần tập trung những mặt sau:

Thứ nhất, về chính sách đó là chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và có năng lực phát triển thị trường; Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn; các vùng nguyên liệu tập trung.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn.

Chính sách phải nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp định hướng phát triển bền vững tránh xung đột về môi trường và nguồn lực. Nhất quán trong chủ trương sử dụng đất ổn định và lâu đài và có chính sách môi trường phù hợp.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích các Doanh nghiệp sử dụng công nghệ theo hướng giảm thiểu phát thải. Quy hoạch xây dựng vùng luân canh/chuyên canh tập trung.

Đồng thời, có cơ chế về tín dụng cho các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững; hỗ trợ tài chính cho các nông dân tiên phong tham gia vào các chương trình nông nghiệp xanh. Nhà nước hỗ trợ kết nối nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp cam kết các chương trình nông nghiệp xanh

Thứ hai, về đào tạo. Đưa vào các chương trình giáo dục về xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường; Đào tạo các đội ngũ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Có chương trình khuyến khích các lực lượng lao động có trình độ cao vào nông nghiệp. Đào tạo về ứng dụng các tiến độ KHCN đến từng hộ nông dân; Đào tạo hội nhập.

Thứ ba, về Khoa học kỹ thuật: đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp xanh thông qua việc áp dụng công nghệ trồng trọt và chế biến theo hướng tối ưu hóa năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ tư, về truyền thông: Tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân nhỏ lẻ về nông nghiệp xanh; Tuyên truyền, kết nối đến người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp xanh

Thứ năm, về năng lực nhà đầu tư: chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án đúng cam kết.

Ông Võ Quang Huy – Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, thời gian vừa qua ngành nông nghiệp đã ghi nhận là bệ đỡ của nền kinh tế đất nước khi hàng hoá đã giúp củng cố niềm tin với bạn bè quốc tế và người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm nằm trong Top 10 như: tiêu, cà phê, cao su, chế biến gỗ gia dụng…Tuy nhiên, nhiều nông dân, nhiều ngành hàng còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Quang Huy – Công ty TNHH Huy Long An.

Ông Võ Quang Huy – Công ty TNHH Huy Long An.

Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt. Hiện nay, trồng trọt có nhiều mô hình rất thành công. Tuy nhiên bên cạnh những thành công thì đâu đó những người nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn do bắt nguồn từ giá cả vật tư đầu vào bị tăng cao, thậm chí là rất cao nhưng đầu ra không ổn định đã đẩy người nông dân vào thế cùng cực, không có người dẫn dắt, định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Do đó, trong xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, ông Huy cho rằng cần quan tâm đến lợi ích của người nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ; dẫn dắt họ có được cuộc sống ấm no hơn để họ có thể theo đuổi và sống được với nghề, như: xây dựng đầu mối hợp tác để giúp đỡ họ từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cho đến đầu ra… để họ có thể ổn định cuộc sống; tìm kiếm kênh đầu tư ổn định (sử dụng vật tư để thanh toán qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng, không nhận tiền mặt…).

Đối với ngành thuỷ sản, mặc dù ngành đang phát triển tốt nhưng người nông dân lại rất khó khăn, hưởng lợi ít, thậm chí rất khó khăn vì: công nghệ và phân khúc bởi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI nắm giữ và chi phối. Vì vậy rất cần Nhà nước hỗ trợ cho những đối tượng này để họ có thể sống được với nghề và cho ra những sản phẩm tốt, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bà Hoàng Lê Trang - Quản lý dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng rau quả, gia vị Việt Nam” - Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đặt câu hỏi: “vì sao sản phẩm nông sản việt trên thị trường quốc tế chưa có vị thế tương xứng với tiềm năng?”.

fdf

Bà Hoàng Lê Trang

Đơn cử việc xuất khẩu mặt hàng rau quả vào các nước thành viên Liên minh châu Âu, Việt Nam có khả năng canh tác quanh năm với đa dạng các chủng loại rau củ, hoa quả; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị sau EVFTA. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2022, Việt Nam vẫn chưa chiếm đến 0,5% dung lượng thị trường lớn nhất thế giới này. Trong khi đây là thị trường lớn nhất thế giới trong việc tiêu thụ rau quả và gia vị Việt Nam.

Một ví dụ nữa là có những đại biểu thương mại từ châu Âu không hề biết quá nửa sản phẩm cà phê và hồ tiêu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Bà Trang đề xuất một số giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, tận dụng các lợi thế có được từ FTA, có thể kể đến gồm:

Một là Quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận: các FTA đem lại nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng rào cản kỹ thuật với nông sản tại một số thị trường lớn như EU, Anh Quốc, Mỹ, Nhật Bản, v.v. vẫn rất khắt khe, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ghi nhãn bao bì. Việc quản lý chất lượng một cách nhất quán, chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn được quốc tế công nhận không chỉ giúp nông sản Việt đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của quốc gia nhập khẩu, mà còn là phương tiện để chinh phục khách hàng tại các thị trường này.

Hai là Tăng cường áp dụng các thực hành sản xuất bền vững và kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp.

Ba là Tăng cường quản lý sản xuất theo mô hình chuỗi: việc duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần trở thành hướng đi tất yếu cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình quản lý theo chuỗi giá trị cũng là điều kiện “cần” cho việc đảm bảo thông tin về sản phẩm nông nghiệp là minh bạch và truy xuất được – một yêu cầu bắt buộc từ hầu hết các thị trường mục tiêu đã có FTA với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Châu Âu.

Năng lực và quyết tâm của doanh nghiệp, của nhà sản xuất trong từng chuỗi giá trị nông sản chính là yếu tố tiên quyết để thực hiện các giải pháp trên. Bên cạnh đó, sẽ vẫn cần có các hỗ trợ mang tính hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan trong hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công cho biết, sau hơn 3 giờ thảo luận, Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023 đã diễn ra rất sôi động xung quanh chủ đề, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững.

Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công.

Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công.

Chúng ta đã nghe phát biểu chỉ đạo và định hướng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, phát biểu của Chủ tịch tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch tỉnh Bến tre Nguyễn Trúc Sơn, cùng 6 tham luận rất có giá trị đến từ khu vực quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia…

Chúng ta cũng đã có phần thảo luận chuyên sâu về định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp và những lĩnh vực ưu tiên, thu hút đầu tư do Viện trưởng Viện chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT điều phối. Thông qua thảo luận và các tham luận, diễn đàn thống nhất, Việt Nam có lợi thế rất lớn về nông nghiệp.

Đồng thời, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp bền vững là đi theo định hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Trong quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là người đồng hành dẫn dắt và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Diễn đàn cũng nhận diện tiềm năng, cơ hội đầu tư vào nông nghiêp bền vững của Long An cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

Các xu thế phát triển trong kinh tế nông nghiệp như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch,..các doanh nghiệp cũng khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng làm được và cạnh tranh được trong việc phát triển nông nghiệp.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, diễn đàn cũng thống nhất, phát triển doanh nghiệp bền vững phải gắn với quản lý, bảo tồn và tái tạo tài nguyên thiên nhiên với môi trường, gắn với phát triển nông dân giàu có, nông thôn phồn vinh. Nhà nước đang có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp bền vững.

“Diễn đàn kiến nghị, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông  nghiệp. Đồng thời, kiến nghị các địa phương có các chiến lược quan tâm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách hiệu quả” – Chủ tịch VCCI nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ điểm nghẽn cơ chế để Đồng bằng Sông Cửu Long

    Gỡ điểm nghẽn cơ chế để Đồng bằng Sông Cửu Long "cất cánh"

    14:50, 02/06/2023

  • "Đánh thức" hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long

    00:30, 11/06/2023

  • “Khơi thông” logistics Đồng bằng sông Cửu Long

    “Khơi thông” logistics Đồng bằng sông Cửu Long

    13:22, 29/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO