Phát triển nông sản bền vững (Kỳ 1): Khó ở đâu?

NGUYỄN QUANG 02/07/2022 15:30

Nền nông nghiệp Việt Nam còn khá nhiều hạn chế trong quy hoạch, chất lượng nông sản và cả trình độ khoa học kỹ thuật...

>>> Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có xa vời?

Đặc biệt trong bối cảnh toàn thế giới hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Việt Nam có nhiều thách thức trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Vùng trồng cà phê theo tiêu chuẩn bền vững của Phúc Sinh đồng hành các hộ nông dân với sự đôn

Việt Nam có nhiều thách thức với thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Vùng trồng cà phê theo tiêu chuẩn bền vững, Phúc Sinh đồng hành các hộ nông dân tại DakLak ( L.M)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê, trong năm 2021, cả nước có 40 tỉnh thành có trồng trọt hữu cơ với các cây trồng chủ yếu cây ăn quả, rau, chè…, trên 200 hợp tác xã, 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thu hút khoảng 25.000 lao động. Ngoài ra, có 168 nông dân tự canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún đây là một trong những khó khăn lớn khi vận động nông dân cùng tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ.

Thực hiện phát triển bền vững từ 12 năm trước, Công ty CP Phúc Sinh đã thực hiện đầu tư vào chất lượng sản phẩm để cung cấp cho các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Bắc Mỹ. Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào các thị trường trên, công ty đã đầu tư thành lập phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 17025 để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt ở Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Ông Thông cho biết, ban đầu thực hiện công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vùng trồng, chất lượng sản phẩm, … Đặc biệt, vấn đề vận động và thuyết phục người nông dân trồng theo hướng hữu cơ là điểm khó khăn nhất.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

“Làm với nông dân là rất khó, thực sự làm với hàng nghìn, hàng chục nghìn hộ là một thách thức lớn chẳng những về tiền bạc, công sức và kiên trì. Bởi vì dân trồng ở các hộ rất nhỏ cho nên muốn sản lượng lớn thì phải làm với hàng trăm, hàng nghìn, hành chục nghìn hộ nông dân để thuyết phục tất cả mọi người trồng trên một nguyên lý an toàn.” – Ông Thông chia sẻ.

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam vẫn còn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến vốn đầu tư lớn.

Ghi nhận tại Công ty CP Nông nghiệp GAP, bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT khẳng định, một khi đã có lộ trình, phương án thực hiện thì yếu tố quan trọng nhất là vốn. Hiện nay, có nhiều chương trình của các tổ chức để hỗ trợ người cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với chính sách vay vốn lãi suất thấp, thế nhưng rất khó tiếp cận.

Bà Tú Anh bộc bạch: “Một héc-ta lúa khi thu hoạch thì rơi khoảng 40-50 triệu/héc-ta, 10 héc-ta là 500 triệu, mà 100 héc-ta là 5 tỷ đồng, như vậy mỗi vụ lúa chúng tôi làm thì rất nhiều tiền. Vậy thì vốn của doanh nghiệp có giới hạn và muốn triển khai trên diện rộng thì bắt buộc cần có nguồn vay, mà doanh nghiệp làm nông nghiệp thì làm gì có tài sản mà thế chấp. Khó khăn nhất hiện nay là những chương trình rất là hay ở Hà Nội thì Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nói được vay vốn với lãi suất 2% rất là tốt, nhưng mà khi đến ngân hàng thì ngân hàng cần tài sản thế chấp. Nhưng khi làm nông nghiệp vốn lớn vào chục tỷ như vậy thì cần tài sản rất lớn, như vậy chúng ta bị một vòng luẩn quẩn rất lớn”.

Bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT CTCP GAP

Bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp GAP

Theo Nghị định 31 của Chính Phủ về Hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, đối tượng là doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được hưởng mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế.

Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là doanh nghiệp phải đảm bảo được tài sản theo quy định. Đây được xem là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Kỳ 2: Phát triển nông sản bền vững: Có nên sản xuất phân bón hữu cơ?

Có thể bạn quan tâm

  • Đắk Nông: Nông nghiệp khẳng định vị thế

    Đắk Nông: Nông nghiệp khẳng định vị thế

    22:12, 22/06/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL

    12:00, 18/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nông sản bền vững (Kỳ 1): Khó ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO