Các quốc gia ASEAN đã xây dựng những chính sách phát triển đối với sáng chế xanh trên thị trường để phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội và định hướng phát triển kinh tế tại từng nước.
>>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sáng chế xanh
Kế hoạch Phát triển Philippines (PDP) giai đoạn 2017-2022 được xây dựng nhằm giảm các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh phát triển. Ngoài những chính sách hỗ trợ tài chính, Philippines còn tập trung vào việc khuyến khích chuyển giao công nghệ giữa các công ty nước ngoài và doanh nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, Philippines còn xây dựng chỉ số Chuyên ngành Sáng tạo xanh (GIS) như một thước đo chính cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, dựa trên cơ sở dữ liệu từ bằng sáng chế xanh, hoạt động trên tất cả các văn phòng quốc gia địa phương.
Các sản phẩm hay giải pháp kỹ thuật được công nhận là sáng chế liên quan đến năng lượng xanh, có thể kể đến: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện và năng lượng địa nhiệt là sản phẩm công nghiệp xanh, tiêu biểu như: hệ thống phao và neo đầu tiên của Thái Lan để lắp đặt bảng điều khiển pin mặt trời (hay Giải pháp năng lượng mặt trời nổi SCGC).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp xanh phải tuân thủ theo Đạo luật Tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp Thái Lan B.E. 2558 năm 2015 (IPS) về các chỉ tiêu quy định cho sản phẩm công nghiệp được phép giao dịch trên thị trường Thái Lan. Các sản phẩm công nghiệp xanh cần phải xin giấy phép của Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) trước khi bắt đầu hoạt động.
Điều 109 của Luật Sáng chế Indonesia cho phép chính phủ cấp bằng sáng chế xanh cho các sản phẩm được công chúng quan tâm “khẩn cấp”. Đơn cử như các sản phẩm liên quan đến bệnh tật, khả năng phục hồi nông nghiệp, thiên tai,..
Bằng sáng chế được cấp sẽ không làm giảm quyền của chủ sở hữu bằng sáng chế trong việc thực hiện các quyền độc quyền và nhận các khoản phí hợp lý, đơn cử là khoản bồi thường từ chính phủ. Indonesia đang tăng cường nỗ lực khuyến khích một môi trường đổi mới, đồng thời đảm bảo cơ hội tiếp thu công nghệ bền vững. Cấp bằng sáng chế xanh có thể được bắt đầu bằng việc cải thiện quy định, hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tăng cường quan hệ đối tác với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thông qua WIPO Green có thể đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ bền vững.
>>>Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ
Trong nội dung báo cáo về “Green Bond Market Survey for the Lao People's Democratic Republic: Insights on the Perspectives of Institutional Investors and Underwriters” (Khảo sát Thị trường Trái phiếu Xanh cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) cho thấy gần 60% các nhà đầu tư tổ chức được khảo sát cho biết doanh nghiệp sở hữu các bằng sáng chế xanh rất muốn khám phá các cơ hội đầu tư trái phiếu xanh, nhưng đang thiếu năng lực và nguồn lực để thực hiện.
Tương tự, khoảng 80% tổ chức bảo lãnh phát hành trong nước cho biết các khách hàng có sự quan tâm đến sản phẩm trái phiếu xanh, nhưng họ cần hỗ trợ và hướng dẫn thêm để tung ra sản phẩm mới. Bên cạnh sự duy trì và phát triển của nhiều dự án xanh, cơ số dự án đã vấp phải nhiều khó khăn và thất bại, đơn cư như dự án xe điện tại Lào theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM).
Số lượng sáng chế công nghệ xanh được đăng ký tại Việt Nam tăng nhanh kể từ giữa những năm 2000. Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với việc đặt “tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội” làm mục tiêu chung.
Chiến lược đã chỉ ra ba nhiệm vụ chiến lược gồm (1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (2) xanh hóa sản xuất; (3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đồng thời đề ra 17 giải pháp thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ.
Trong đó, áp dụng một số công cụ kinh tế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế và phí bảo vệ môi trường để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý. Năm 2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn thông điệp kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Innovate for a Green Future” (Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh) với mục tiêu tạo ra một chiến dịch lấy đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo làm trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.
Gần đây, tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành ngày 11/05/2022 về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 thì phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo định hướng phát triển kinh tế xanh là một trong những định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 8 năm sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 06/04/2023
11:00, 15/03/2023
09:42, 19/02/2023
00:24, 25/07/2022
05:23, 14/05/2022