Để thúc đẩy sáng chế xanh tại ASEAN, các quốc gia trong ASEAN đã có nhiều hoạt động liên kết với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham).
>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sáng chế xanh
Cùng với đó, các quốc gia ASEAN đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ bền vững như hỗ trợ tài chính và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trong những năm qua.
Để đo lường kết quả của đổi mới môi trường, OECD đã xuất bản một bộ Chỉ số bằng sáng chế xanh mới từ tháng 03/2015. Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phân loại dữ liệu bằng sáng chế xanh dựa trên về các công nghệ liên quan đến việc đạt được bốn mục tiêu chính sách: (1) Ô nhiễm không khí, nước, xử lý chất thải và các hoạt động truyền thông về quản lý môi trường; (2) Thích ứng với tình trạng khan hiếm nguồn nước; (3) Bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái và đa dạng sinh học; (4) Năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, giao thông vận tải và các tòa nhà góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
WIPO, với tư cách là một cơ quan đặc biệt của Liên Hợp Quốc, dự định góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc bằng cách sử dụng tài sản trí tuệ. Trong đó, WIPO GREEN là một nền tảng trực tuyến để trao đổi công nghệ được thành lập vào năm 2013 để hỗ trợ sự phát triển và phổ biến đổi mới về môi trường.
Với cơ sở dữ liệu của WIPO GREEN, bằng sáng chế công nghệ xanh được ghi nhận tại cơ sở dữ liệu WIPO Patentscope, lấy dữ liệu thống kê do người dùng cá nhân tải lên và nhập từ cơ sở dữ liệu của các tổ chức đối tác. WIPO GREEN còn được xem là một thị trường toàn cầu thúc đẩy đổi mới và phổ biến công nghệ xanh.
Theo Kế hoạch Chiến lược WIPO GREEN 2019–2023, số lượng sẽ đạt hơn 70 triệu bằng sáng chế và là một trong những cơ sở dữ liệu về bằng sáng chế xanh có thể truy cập công khai lớn nhất thế giới. Hiện tại, cơ sở dữ liệu WIPO GREEN với hơn 120.000 công nghệ, nhu cầu và chuyên gia đã đăng ký.
Các dự án do WIPO GREEN tổ chức trong những năm qua, bao gồm: Dự án xử lý nước thải ở Indonesia, Philippines và Việt Nam; dự án quản lý nước và nông nghiệp ở Ethiopia, Kenya và Tanzania; sự kiện quốc tế về quản lý nước tại Thụy Sĩ; dự án Trường Xanh ở Bali, Indonesia và một dự án về năng lượng, không khí sạch, nước và nông nghiệp ở Campuchia, Indonesia và Philippines.
Hiện nay, một số dự án đang hoạt động như: Dự án xử lý và bình ổn hóa nước thải của nhà máy dầu cọ (POME) ở Indonesia được triển khai vào năm 2021 với mục đích giảm phát thải khí metan và Dự án về nông nghiệp thông minh cùng cải thiện khí hậu ở khu vực Mỹ Latinh hình thành vào năm 2021.
Bên cạnh đó, IPO GREEN là một sáng kiến hỗ trợ các Cơ quan Sở hữu trí tuệ ban hành các chính sách và chương trình xanh, ra mắt vào năm 2022 với sự tài trợ của Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản. Trong Chính sách IPO GREEN Note 11, một cách mà các Cơ quan Sở hữu trí tuệ có thể đóng góp vào đổi mới sáng chế xanh là giảm phí truy tố bằng sáng chế cho các công ty có giải pháp công nghệ xanh. Điều này có thể áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới xanh, hoặc nó có thể áp dụng trên cơ sở ngành để áp dụng cho bất kỳ nhà đổi mới xanh nào.
>>Phát triển sáng chế xanh tại ASEAN
Khi sáng chế xanh tại các quốc gia có thể bị đưa ra thị trường không phải do quyết định của chủ sở hữu sáng chế, thông thường qua 2 con đường: một là con đường không chính ngạch (buôn lậu), hai là đơn vị tại quốc gia làm giả sáng chế. Nhiều quốc gia ASEAN có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ tại các cơ quan pháp luật quốc tế.
Hiện nay, những tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng và sáng chế xanh nói chung tại các nước ASEAN thường tìm đến cơ quan đối ngoại quốc gia để nhờ hỗ trợ trao đổi với cơ quan nước ngoài một cách chính thức.
Vì vậy, cần nỗ lực trong sự kết hợp, hợp tác giữa 3 bên: người sở hữu sáng chế xanh, nhà quản lý và người tiêu dùng. Người tiêu dùng phản ánh, nhà quản lý biết và liên lạc với người sở hữu được bảo hộ sáng chế xanh.
Một là, đối với người sở hữu sáng chế xanh, ưu tiên rút ngắn thời gian đăng ký bảo hộ sáng chế xanh, khuyến khích thông qua các chính sách về thuế, phí, lệ phí và trao thưởng, tuyên dương.
Hai là, đối với nhà quản lý, tạo cơ chế bảo hộ phù hợp để người sở hữu sáng chế xanh có thể đăng ký và giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, vấn đề về giám sát thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu về sáng chế nói chung và sáng chế xanh nói riêng cần được quản lý theo nguyên tắc công khai và thống nhất.
Ba là, đối với người tiêu dùng, tạo điều kiện được tiếp cận với kiến thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế xanh để khai mở sự sáng tạo và sự quan tâm đối với bảo vệ môi trường, cũng như tăng khả năng nhận thức về vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các quốc gia nên thực hiện chính sách hỗ trợ thương mại hóa thông qua hình thức cấp li-xăng hoặc cấp giấy phép bắt buộc với chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế và cơ quan đại diện sở hữu trí tuệ về sáng chế tại quốc gia sở tại có liên quan đến sáng chế xanh. Việc chia sẻ bằng sáng chế xanh là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy bằng sáng chế xanh và giải quyết các vấn đề về môi trường hiện nay, gắn liền với chia sẻ công nghệ và bắt buộc cấp phép bằng sáng chế, thông qua việc thiết lập nền tảng thông tin chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm