Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” từ 13h30-17h00 ngày 19/05.
>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần công khai, minh bạch thông tin phát hành
Ngày 19/05/2022 tại Hội trường Tầng 7-VCCI Hà Nội, Diễn đàn “Phát triển Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã diễn ra.
Diễn đàn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo, đại diện các cơ quan Ban ngành quản lý, chuyên gia Kinh tế - Tài chính -Đầu tư, cùng các đại diện Ngân hàng, Công ty Chứng khoán, Kiểm toán, Tư vấn Phát hành, Quỹ đầu tư, các Doanh nghiệp và các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân trên thị trường vốn Việt Nam.
Kết luận tại Diễn đàn, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết Diễn đàn đã nhận diện bức tranh tổng quan về sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong những năm qua đến hết tháng 4/2022, với trọng tâm là sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một kênh huy động vốn trung và dài hạn, có tỷ lệ và vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp và cơ cấu của hệ thống tài chính.
Những bước tiến, cơ hội, thách thức, những lỗ hổng cần được khắc phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt về các quy định pháp lý được các đại biểu phân tích, chia sẻ, nhận định tại Diễn đàn, đã cùng đi đến thống nhất về sự cần thiết chuẩn hoá và kiểm soát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh, đúng pháp luật.
Theo đó, các nhận định, vấn đề, kiến nghị giải pháp trọng tâm được Diễn đàn đặt ra như sau:
Về vai trò, thị trường vốn, trong đó trọng tâm Diễn đàn đặt ra là thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng, là một cấu phần của thị trường tài chính. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh hóa hệ thống tài chính và gia tăng cơ hội, tăng cường năng lực đột phá, cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về quy mô, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có qui mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Do đó dư địa phát triển thị trường còn rất lớn.
Về điều kiện và xu thế chung, chính do quy mô phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, trong những năm qua, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn. Năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Điều này đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).
Thực tế đó, theo Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Phạm Ngọc Tuấn, đã đặt ra yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Qua đó, giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.
Về thách thức – rủi ro, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, thị trường đã bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, hạ tầng để phát triển thị trường chưa đồng bộ.
Điều này đã dẫn đến cùng sự bùng nổ giá trị huy động trên thị trường, xuất hiện những lỗ hổng như qua vụ việc Tân Hoàng Minh cho thấy việc giám sát từ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích đến thành phần mua…, có thể mang đến những rủi ro.
Áp lực trả nợ của lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2-3 năm tới của khối doanh nghiệp chưa niêm yết, loại hình trái phiếu không tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu và các chủ thể phát hành không được đánh giá tín nhiệm, cũng có thể mang đến rủi ro cho hệ thống và nhà đầu tư.
Thực tế, Chính phủ đã kịp thời chấn chỉnh thị trường với hàng loạt cảnh báo của Bộ Tài chính từ cuối 2021-nay. Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định chủ trương bảo vệ nhà đầu tư và, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, giao các Bộ ngành sớm thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu để hướng tới nâng hạng TTCK, phát triển thị trường ổn định, minh bạch, bền vững.
Việc xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt theo thông lệ quốc tế đòi hỏi phải hình thành đồng bộ được các yếu tố cấu thành bao gồm cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp... là những nội hàm quan trọng để thị trường TPDN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường vốn nói chung đang chịu tác động của thế giới (lạm phát, chứng khoán toàn cầu giảm, chiến sự Nga-Ukraine) và của nội địa (các vụ việc vi phạm trên thị trường và các giải pháp tạo tác động ngắn hạn), việc sửa đổi những bất cập trước mắt là cần thiết nhưng phải trên quan điểm dài hạn nêu trên với tiêu chí nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường.
Tổng Biên tập Phạm Ngọc Tuấn tổng kết các giải pháp, kiến nghị đã được ghi nhận tại Diễn đàn, gồm:
Thứ nhất, cần sớm xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trên thị trường vừa qua. Việc xử lý những vụ việc vi phạm thời gian qua đang cho thấy quyết tâm lành mạnh hóa của thị trường. Nhưng cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ từ khối CTCK lẫn thanh tra các doanh nghiệp và công ty kiểm toán.
Thứ hai, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Trọng tâm của hành lang pháp lý hiện tại đối với thị trường TPDN là Dự thảo sửa đổi, Bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP, đã được Bộ Tài chính sửa đổi phiên bản 5 nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều nội dung trong dự thảo đang tạo quan ngại nếu được ban hành sẽ “siết”, có thể gây nghẽn thu hút vốn thay cho chuẩn hóa khung pháp lý cho thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Song song, xem xét sửa đổi Nghị định 156 (2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với chế tài nghiêm khắc, phù hợp; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó có nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…
Các Nghị định với nội dung cần sửa cần song hành với 2 loại hình Đầu tư và Mạo hiểm, tạo dựng nền tảng tốt, dẫn dắt thị trường chứ không phải hạn chế thị trường, quản lý siết chặt. Nhiều quy định cần xét xét, phân nhóm phân loan, bỏ bớt các điều kiện hạn chế kinh doanh, ví dụ tài sản đảm bảo, không yêu cầu tất cả đều phải có tài sản đảm bảo vì chi phí lớn, không cần thiết và hạn chế giá trị tài sản vô hình, giá trị sáng tạo của doanh nghiệp.
Một số điểm tiếp cận chưa phù hợp các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và hạn chế cơ hội phát triển thị trường, lợi thế tài chính của doanh nghiệp ví dụ quy định không cho tập đoàn mẹ phát hành trái phiếu huy động vốn cho công ty con; hay quy định về hạn chế tỷ lệ tổng huy động nợ/ vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 3 lần là quá khó khăn cho doanh nghiệp…
Hiện doanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn, do đó phải sớm đưa hoạt động phát hành TPDN trở lại, qua việc sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định 153 sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng, số lượng nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Quy định tại Dự thảo Nghị định 153 đã đề cập đến nhà đầu tư chuyên nghiệp với các điều kiện cần xem xét sao cho phù hợp và theo thông lệ quốc tế. Cần có cơ chế khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…v.v.; Hiện mới chỉ có 1 quỹ REIT của Techcombank rất nhỏ.
Với nhà đầu tư cá nhân, cần khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng NĐT cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới; yêu cầu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân…v.v. giúp họ nhận diện các rủi ro, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có...v.v.
Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp; đẩy nhanh xây dựng thị trường thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung, rút ngắn thời gian ra mắt thị trường này (Theo kế hoạch dự kiến của cơ quan quản lý Nhà nước là cuối năm nay).
>>PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Không nên cứng nhắc mục đích sử dụng vốn
Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Hiện Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực này là quá ít so với nhu cầu thị trường. Mở rộng thu hút các TC xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; Làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.
Đồng thời cần quy định rõ về cam kết của chủ thể phát hành và ai theo dõi trách nhiệm thực hiện cam kết này. Ở các thị trường phát triển có bộ phận riêng của cơ quan quản lý theo dõi việc thực thi cam kết trên thị trường này. Việc tuân thủ cam kết là rất quan trọng, bao gồm tuân thủ từ phía chủ thể phát hành lẫn các đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, nhà đầu tư. Luật chơi có sơ bộ nhưng chưa tuân thủ tốt thì cần thay đổi.
Thứ sáu, có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành, xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành, tiêu chuẩn phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ …);
Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính. Không can thiệp hành chính quá nhiều mà tối ưu chính sách. Thị trường cần được “vỗ bằng 2 bàn tay”, không để thị trường tự phát triển tự do nhưng cũng cần tôn trọng cơ chế thị trường.
Thứ tám, về phía doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, nâng cao chất lượng doanh nghiệp với năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động, đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh,... để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành. Từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nâng cao lợi ích cho chính doanh nghiệp và tăng năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho nhà lập pháp.
Thứ chín, cần tăng cường vai trò và phát huy hiệu quả của công tác truyền thông trong tuyên truyền chính sách, quy định, phổ biến pháp lý, cập nhật khách quan trung thực thị trường, góp sức tăng cường mức độ tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ thể phát hành… ; cũng như đồng hành cùng các chủ thể, tổ chức, cá nhân để phát hiện các hành vi vi phạm, giám sát, giúp củng cố, ổn định, nâng cao minh bạch và lành mạnh hóa thị trường. Ngoài ra, tăng cường truyền thông, quảng bá về uy tín, tín nhiệm của kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thu hút nhà đầu tư quốc tế đến với thị trường vốn Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
17:02, 19/05/2022
16:46, 19/05/2022
16:09, 19/05/2022
15:49, 19/05/2022
15:21, 19/05/2022