Mặc dù đã vào cuộc xử lý vi phạm tại số 8B, Lê Trực như một gương điển hình đầy sự quyết liệt, thế nhưng, vẫn còn hàng loạt những vụ việc “tày đình” khiến dư luận đặc biệt quan tâm…
Vừa qua, dư luận tại Thủ đô “ồn ào” về việc phá dỡ xử lý vi phạm tại tầng 18 tòa nhà số 8B Lê Trực, tuy nhiên, cũng thuộc địa bàn Thành phố, hàng loạt các vi phạm khác vẫn nghiễm nhiên tồn tại, trong đó phải kể đến các công trình sai phạm tại mương Phan Kế Bính, quận Ba Đình; vi phạm tại mương Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy; vi phạm Luật Đê điều tại quận Tây Hồ,… Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến nay, tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.
Luôn là vấn đề nóng trong nhiều năm gần đây, thế nhưng, các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại mương Phan Kế Bính, quận Ba Đình, vẫn chưa được xử lý triệt để, phương án đề ra cũng nhiều, nhưng cuối cùng chỉ gói gọn: khi nào thực hiện dự án mở rộng đường sẽ tiến hành giải tỏa… Thực trạng này, khiến dư luận không khỏi hoài nghi có hay không sự “bao che” cho các công trình sai phạm?
Đáng nói, chính tại điểm vi phạm này, đã không ít lần, Phó Thủ tướng Thường trực – Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm, nhưng đến nay đã qua 4 lần chỉ đạo, những biến chuyển tại đây vẫn còn vô cùng hạn chế, các nhà hàng vẫn hoạt động, các cơ sở kinh doanh lấn chiếm vẫn nghiễm nhiên tồn tại.
Rầm rộ không kém mương Phan Kế Bính, một thực trạng khác gần đây cũng khiến dư luận vô cùng quan ngại, đó là hàng loạt các sai phạm vô tư mọc lên trên hàng lang thoát lũ tại khu tập thể F361, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Đáng nói, những hệ lụy có thể xảy ra đối với hiện trạng này là vô cùng lớn nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn tỏ ra “thờ ơ”.
Nếu chính quyền địa phương không “bao che”, liệu những vi phạm có thể dễ dàng tồn tại? Nhất là khi, tại điểm xảy ra vi phạm lại là diện tích mà trước đó, các cơ quan quản lý địa phương vào giải tỏa nhà tạm, lều lán,…
Thông tin trả lời cơ quan báo chí liên quan đến sai phạm tại mương Phan Kế Bính, UBND quận Ba Đình từng lý giải: khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý đối tượng vi phạm hành chính là Công ty Cổ phần Đa Quốc Gia đã cho các đơn vị kinh doanh thuê và sử dụng từ nhiều năm nay và được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó, Chủ đầu tư và các đơn vị kinh doanh không hợp tác và dẫn đến việc xử lý vi phạm rất phức tạp.
Việc xử lý phần công trình xây dựng sai phép nêu trên, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kết cấu, an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cũng như các bộ phận còn lại của công trình xây dựng(?).
Cũng theo UBND quận Ba Đình, đơn vị đã trình phương án xử lý vi phạm lên UBND TP. Hà Nội, việc tháo dỡ công trình xây dựng sai phép đồng thời khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Phan Kế Bính theo Quyết định số 5802/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 UBND Thành phố phê duyệt Dự án(?).
Dự án lớn như 8B Lê Trực còn thực hiện tổ chức xử lý vi phạm được, tại sao hàng loạt nhức nhối đang tồn tại lại vẫn khó và bất cập?
Thông tin với báo chí, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam từng cho biết, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là vấn đề tồn tại từ lâu, trong suốt một thời gian dài, người dân và dư luận không khỏi bức xúc và có những hoài nghi xung quanh công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền sở tại.
Cũng theo ông Hùng, các cấp quản lý nhà nước phải có thái độ rất kiên quyết trong việc quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, các tỉnh, thành phố làm sai, Bộ xây dựng phải “thổi còi”, báo cáo Thủ tướng; quận, huyện làm sai tỉnh, Thành phố phải xử lý; phường, xã làm sai quận, huyện phải xử lý…
Vậy, những tồn tại ở đây là gì? Tại sao vẫn còn đó mà chưa thể xử lý? Có chăng từ cơ chế “xin – cho” nên còn đó những rào cản?
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Bùi Duy Cường - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội từng khẳng định: UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phân loại và xác định hành vi vi phạm, thời điểm xảy ra và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để có hình thức xử lý theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP. Hà Nội, những trường hợp vi phạm sau ngày 01/7/2014, kiên quyết xử lý, không hợp thức sai phạm. Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm đất đai, nếu để xảy ra vi phạm mới, chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước những thực trạng đã nêu, liệu pháp luật đã được thực thi? Dư luận chờ mong một sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ tồn tại trên giấy hay khẩu hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng
16:05, 23/06/2020
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 2): Lẩn khuất bóng dáng “nhóm lợi ích”
11:05, 19/02/2020
Quản lý trật tự xây dựng (Kỳ 1): Chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim”
11:01, 18/02/2020
TP.HCM: Liệu có “xóa sổ” được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng?
13:20, 20/11/2019