Việc Thượng viện Mỹ xác nhận phiên xét xử luận tội đối với cựu Tổng thống Donald Trump là hợp hiến đã chính thức mở ra cuộc chiến về Hiến pháp tại điện Capitol.
Nước Mỹ đang dõi theo phiên tòa luận tội của ông Trump để chờ đón kết quả xem cựu Tổng thống Mỹ có bị kết tội hay không và liệu ông có bị ngăn cấm quay lại tranh cử vào năm 2024 hay không.
Có thể thấy, ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần và là người duy nhất được đưa ra xét xử lại Thượng viện sau khi đã rời Nhà Trắng.
Với câu hỏi đầu tiên, cho đến thời điểm hiện tại, kết quả thăm dò dư luận cho thấy, phần lớn ý kiến của giới quan sát và các chuyên gia phân tích chính trị tin rằng kịch bản cựu Tổng thống Trump bị kết tội là không cao, vì phe Dân chủ cần phải nhận được thêm sự ủng hộ của 17 Thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Trước mắt, có 45 trong số 50 đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell bỏ phiếu phản đối phiên tòa luận tội. Điều này phản ánh đã cho thấy sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với cựu tổng thống.
Do đó, khả năng có một số lượng lớn các nhà lập pháp Cộng hòa “quay giáo” là rất khó. Và như vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ được tha bổng một lần nữa.
Tuy nhiên, sáng lập viên Charlie Sykes của nền tảng tin tức Bulwark cho rằng, nếu đảng Dân chủ làm được những gì mà họ dự định và đưa ra bằng chứng trực quan, nhiều khả năng việc ông Trump được tha bổng sẽ không lặp lại.
Trên thực tế, các thành viên đảng Dân chủ nói rằng, cựu Tổng thống Trump bắt buộc phải bị kết tội để đảm bảo nền dân chủ Mỹ không bị đe dọa theo cách này một lần nữa.
Chính vì vậy, các công tố viên của Hạ viện sẽ tập trung vào việc ông Trump cần chịu trách nhiệm đặc biệt về vụ bạo loạn ở Điện Capitol bằng cách kích động bạo lực, khơi mào cuộc biểu tình, và trục lợi cá nhân từ sự tàn phá sau đó.
“Bản tường thuật trực quan này sẽ khiến các nghị sĩ khó lòng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ bạo loạn, đặc biệt là khi phần lớn trong số họ lại là nhân chứng ở một chừng mực nào đó”, ông Sykes nói thêm.
Còn với kịch bản thứ hai, ngay cả phán quyết tha bổng cũng chưa chắc đã là dấu chấm hết cho nỗ lực buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, các nghị sĩ có thể sử dụng một cách khác, không thông qua việc luận tội, nhằm mục đích ngăn cựu Tổng thống Trump tái tranh cử sau này.
Giáo sư luật Bruce Ackerman của Trường Luật thuộc Đại học Yale và giáo sư Gerard Magliocca của Đại học Indiana cho biết, Khoản 3 trong Tu chính án 14 của Mỹ quy định việc cấm một người giữ chức vụ liên bang nếu người đó tham gia dấy loạn chống lại hiến pháp.
Các nghị sĩ quốc hội có thể sử dụng cáo buộc này để cấm ông Trump tái tranh cử. Việc bỏ phiếu chỉ cần đa số nghị sĩ tại Hạ viện và Thượng viện thông qua. Nếu muốn dỡ bỏ lệnh cấm, cần 2/3 nghị sĩ tại mỗi viện thông qua.
Và với sự chia rẽ của Thượng viện theo tỷ lệ 50-50, và Phó chủ tịch Kamala Harris, nắm giữ phiếu bầu, việc ngăn cấm ông Trump quay lại tranh cử sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận.
Và như vậy, vấn đề không đơn giản chỉ là ông Trump có tội hay trắng án, mà phán quyết, và quá trình dẫn tới phán quyết ấy, sẽ còn bị đánh giá nghiêm khắc trong nhiều thế hệ tới. Dù kết quả phiên tòa ngày 9/2 thế nào, phiên tòa luận tội sẽ là bài kiểm tra liệu những lợi ích đảng phái có vượt lên trên giá trị của nền dân chủ và các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, điều mang lại sự thịnh vượng mà người Mỹ tự hào trong hơn 300 năm, hay không.
Dự kiến, phiên tòa luận tội của ông Trump sẽ có tổng cộng 32 giờ chia đều trong không quá 4 ngày để trình bày các trường hợp. Nhóm xử lý vụ luận tội Hạ viện sẽ có tối đa 16 giờ trong 2 ngày và nhóm luật sư của ông Trump cũng sẽ có 16 giờ trong 2 ngày để trình bày về các quan điểm của mình.
Nếu Hạ viện muốn gọi nhân chứng hoặc tài liệu để hầu tòa, Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu cho phép những điều đó. Các luật sư của ông Trump và lãnh đạo Hạ viện có thể thẩm vấn các nhân chứng, đây là một thủ tục đầy đủ hơn nhiều so với phiên tòa luận tội đầu tiên của ông, vốn không có lời khai của nhân chứng.
Trong ngày đầu tiên, các đại diện của Hạ viện và nhóm luật sư của ông Trump có lần lượt mỗi bên tối đa 2 tiếng để trình bày các lập luận của mình về tính hợp hiến hay không của phiên xét xử.
Sau đó, Thượng viện bỏ phiếu xem liệu phiên xét xử cựu Tổng thống Trump có phù hợp Hiến pháp Mỹ hay không. Nếu kết quả bỏ phiếu đạt một đa số tối thiểu (51 phiếu), tiến trình xét xử luận tội sẽ tiếp tục được triển khai với hàng loạt thủ tục. Trường hợp ngược lại, phiên xét xử sẽ lập tức chấm dứt.
Có thể bạn quan tâm