Startup công nghệ Việt mạnh về thích nghi với biến động song còn hạn chế trong mở rộng quy mô, theo ông Richard Triều Phạm – Phó tổng giám đốc tài chính Tiki.
Sau 20 năm làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ), với kinh nghiệm hỗ trợ các công ty công nghệ đang phát triển nhanh mở rộng quy mô, vào năm 2019, ông Richard Triều Phạm trở về Việt Nam và giữ vị trí Phó tổng giám đốc tài chính tại Tiki., Lãnh đạo cao cấp của Tiki tham gia “ghế nóng” hội đồng chung khảo chương trình Startup Việt 2020 do VnExpress tổ chức với kỳ vọng chia sẻ cùng giới trẻ việc lên kế hoạch, thực hiện chiến lược tài chính, gọi vốn, mở rộng quy mô hoạt động.
Ông Richard Triều Phạm chia sẻ với báo VnExpress về khả năng của startup công nghệ Việt và chiến lược tài chính trong “bình thường mới”.
– Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển của các startup Việt trong những năm qua?
– Làn sóng khởi nghiệp đã lan rộng khắp Việt Nam trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp mới có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc và nhận được sự đầu tư nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã thử sức trong nhiều lĩnh vực nhung hầu hết các startup tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu (early stage), chỉ một số công ty trong số đó có khả năng và đã phát triển với quy mô lớn hơn so với các công ty theo mô hình thương mại truyền thống.
– Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của startup Việt Nam?
Điểm mạnh lớn nhất của các startup hiện này đến từ sức mạnh và ý chí nội tại của lãnh đạo và đội ngũ doanh nghiệp như sự chăm chỉ, khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi, biến động của thị trường, cũng như tinh thần hướng đến xây dựng và đóng góp cho nền kinh tế.
Nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để tiến xa hơn, như kỹ năng, chuyên môn sâu về kỹ thuật và kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, cũng như chưa có nhiều ý tưởng và sáng kiến để bứt phá.
– Đánh giá của ông về khả năng và trình độ của các startup công nghệ Việt Nam so với thế giới?
Các công ty khởi nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực và thế giới. Từ đó còn rất nhiều cơ hội từ “đại dương xanh” để các doanh nghiệp tiếp tục khám phá và tận dụng. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ, có trình độ học vấn và khả năng thích ứng cao cũng tạo nền tảng tốt.
Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua. Ngành công nghệ ở Việt Nam chỉ mới phát triển trong một thập kỷ gần đây, vì thế nhân sự trong nước chưa có nhiều cơ hội để va chạm với những vấn đề lớn và phức tạp, cũng như chưa có đủ chuyên môn về kỹ thuật và kinh doanh để giải quyết các bài toán chuyên sâu trong việc mở rộng quy mô.
Ngoài ra, chưa có nhiều trường hợp “exit” thành công vang dội trên thị trường khởi nghiệp Việt Nam. “Exit” ở đây được hiểu là khi nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận thông qua bán hoặc sang nhượng cổ phần của công ty mà họ đầu tư. Điều này cũng gây ra không ít khó khăn trong việc mở ra các cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn như các thị trường tại những quốc gia phát triển.
– Theo quan sát của ông, hoạt động gọi vốn của cộng đồng startup Việt diễn ra như thế nào trong cuộc khủng hoảng Covid-19?
Các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ, vẫn có khá nhiều cơ hội trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh và những cơ hội này được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm sắp tới. Các nhà đầu tư cũng công nhận điều này.
Do đó, tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nguồn vốn tiếp tục được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trên tất cả các lĩnh vực trong vài năm tới. Dù vẫn còn một số hạn chế để các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng do một số rào cản về thông thương, đi lại, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những hạn chế này vẫn có thể được khắc phục nhanh chóng.
– Ở góc độ chuyên gia về tài chính, các startup nên xây dựng kế hoạch tài chính như thế nào để phục hồi, hướng đến tăng trưởng sau khủng hoảng?
Việc xây dựng kế hoạch tài chính luôn cần thiết trong mọi hoàn cảnh, điều kiện của thị trường. Đầu tiên, các startup cần nắm rõ về các chỉ số hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, có thể kể đến như đòn bẩy tăng trưởng hay cơ cấu chi phí. Sau khi đã nắm rõ về các chỉ số hoạt động, các đơn vị khởi nghiệp cần xác định các hoạt động nào phải tập trung thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động cũng như phân bổ nguồn vốn phù hợp, giúp tạo ra nhiều giá trị nhất có thể.
Tiếp đến, doanh nghiệp cần ưu tiên một vài chiến lược và hoạt động trọng tâm, từ đó tập trung các nguồn lực vào những chiến lược và hoạt động quan trọng này. Ngoài ra, startup cũng cần đảm bảo kế hoạch kinh doanh đề ra phù hợp với kế hoạch vốn. Bước cuối cùng chính là thực hiện kế hoạch đã đề ra, thường xuyên theo dõi và đo lường kết quả để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp và kịp thời.
– Nếu là nhà đầu tư, trong giai đoạn này, ông sẽ đầu tư vào những startup công nghệ đáp ứng các tiêu chí nào?
Thứ nhất, tôi xem xét đánh giá xem thị trường mà startup đang lựa chọn có tiềm năng đủ lớn để có thể tiếp tục mở rộng trong tương lai hay không. Tiêu chí thứ hai chính là đánh giá về khả năng đột phá và sức hút trong ngắn và dài hạn, về cả giải pháp kỹ thuật lẫn chiến lược kinh doanh của startup. Điểm thứ ba chính là năng lực của đội ngũ tại startup để thực hiện các chiến lược đề ra.
– Cơ hội hợp tác của startup Việt với Tiki trong lĩnh vực thương mại điện tử ra sao?
Tiki luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và các mạng lưới của chúng tôi với startup Việt, cho cả các startup liên quan đến ngành thương mại lẫn ngành khác.
Đồng thời, tầm nhìn của Tiki là xây dựng nền tảng thương mại cho Việt Nam, tạo ra một hệ sinh thái tích hợp và toàn diện phục vụ không chỉ người tiêu dùng mà còn là các đối tác kinh doanh. Startup Việt có thể tận dụng hệ sinh thái mà chúng tôi đầu tư xây dựng để đổi mới sản phẩm và dịch vụ của họ, cũng như dễ dàng và liên tục tiếp cận với hệ sinh thái có hàng triệu người dùng và đối tác của Tiki.