“Việt Nam đã trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Tham gia thị trường Việt Nam, quý vị sẽ có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vậy khi phát biểu trước các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư lớn tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á 2018, ngày 26/11.
Hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi thành công
Thông báo với các nhà đầu tư về kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sau hơn 30 năm kể từ khi tiến hành Đổi mới, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công. Không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhờ đó, môi trường chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện không ngừng.
Việt Nam hiện là một trong những công xưởng của thế giới, một điểm tựa cho các tập đoàn đa quốc gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu. Hiện nay, gần 26.000 doanh nghiệp FDI đến từ gần 130 quốc gia và đối tác đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD.
Vẫn theo Phó Thủ tướng Trịnh Đùng Dũng, Việt Nam hiện là đối tác thương mại tin cậy, năng động; có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của WTO, đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng vừa phê chuẩn Hiệp định CPTPP và đang cùng EU nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý để tiến tới sớm ký và phê chuẩn FTA Việt Nam-EU. Các hiệp định FTA này đang mở rộng cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Với nền tảng kinh tế mở và hội nhập như vậy, giờ đây Việt Nam đã trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được. Có thể nói, tham gia thị trường Việt Nam, quý vị sẽ có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định với các nhà đầu tư.
Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Chia sẻ nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng nặng nề. Làn sóng công nghệ đột phá trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với sự phát triển của các quốc gia, doanh nghiệp và người dân.
“Chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải thúc đẩy khởi nghiệp, phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ tiếp cận làn sóng công nghệ mới nhằm tạo ra các xung lực mới cho phát triển”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trọng tâm đầu tiên mà Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam đang triển khai là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ.
“Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác và phù hợp với tín hiệu của thị trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN và hướng đến tiêu chuẩn của các nước OECD về năng lực cạnh tranh.
“Sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, bảo hộ quyền tài sản, thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong Các mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng nói.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 15/10/2018
11:46, 04/10/2018
17:46, 01/10/2018
12:00, 08/08/2018
05:14, 10/11/2018
Thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược
Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy hoạch để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa cao; khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, sáng tạo.
Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Để mở rộng thị trường, Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc và thực chất hơn quan hệ với các đối tác theo tinh thần là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc các cam kết WTO, tự do hóa thương mại trong ASEAN và các FTA đã ký, trong đó có Hiệp định CPTPP. Việc triển khai các cam kết này mở ra cơ hội lớn về tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi hơn và phù hợp hơn với cơ chế thị trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.