Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra sáng 19/12.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam cần coi công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
09:56, 19/12/2018
06:30, 19/12/2018
16:00, 18/12/2018
Nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.
“Nói cách khác, công nghiệp hỗ trợ được xem là nhân tố thúc đẩy hay ‘bánh đà’ của nền công nghiệp. Các nước có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới đều rất quan tâm, chú trọng và đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ từ rất sớm và thực tế là họ đã đạt được những thành tựu vượt bậc”, Phó Thủ tướng nói.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã hình thành nhiều ngành sản xuất công nghiệp quan trọng, đưa đất nước tiến đến mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện đối với công nghiệp hỗ trợ bước đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước đạt được những kết quả quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam.
Đến nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có bước phát triển cả về lượng và chất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Cả nước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động trực tiếp...
Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiêp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Sẽ có Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Cơ chế chính sách tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển công nghệ hỗ trợ. Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi, do không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra. Quan điểm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ được cụ thể hoá vào năm 2017 khi Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2025.
Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
“Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, khâu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp chưa được chú trọng.
“Đây là vấn đề của không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn doanh nghiệp để khâu nghiên cứu – phát triển ở nước ngoài, tại Việt Nam đầu tư rất ít, trong khi đó doanh nghiệp trong nước còn yếu, muốn làm cũng chưa được”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Về thị trường, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường công nghiệp hỗ trợ trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để có thể mở rộng phát triển.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu một số định hướng chính sách để Hội nghị cùng thảo luận.
“Cần coi công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chỉ rõ các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực, từ đó có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phát triển một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành hạt nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Thông tin tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay sau Hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.