Đề nghị Bờ Biển Ngà nhập khẩu các mặt hàng điện tử, may mặc, giày da của Việt Nam để cân bằng thương mại giữa hai bên.
Đây là nội dung làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với Phó Tổng thống nước Cộng hoà Bờ Biển Ngà (The Republic of Cote d’Ivoire) Daniel Kablan Duncan tại Bờ Biển Ngà, chiều 31/10 (giờ Hà Nội).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam có nhu cầu và mong muốn sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm có thế mạnh của Bờ Biển Ngà như điều thô, bông. Đồng thời, đề nghị Bờ Biển Ngà cũng nhập khẩu các mặt hàng điện tử, may mặc, giày da của Việt Nam để cân bằng thương mại giữa hai bên.
Phó Tổng thống Bờ Biển Ngà chia sẻ, thời gian qua, Bờ Biển Ngà đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, được coi là hình mẫu phát triển của châu Phi với tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu châu lục (duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8% trong 5 năm vừa qua).
Ông Duncan nhấn mạnh, chính tự do hoá nền kinh tế và mở cửa thị trường là chìa khoá cho sự phát triển của nước này. Và với những điểm tương đồng về điều kiện địa lý và trình độ phát triển, Bờ Biển Ngà được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) tư vấn nên nghiên cứu học tập mô hình phát triển kinh tế của một số ít các quốc gia tiêu biểu trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Phó Tổng thống Bờ Biển Ngà bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực trồng lúa, nâng cao chất lượng cán bộ y, bác sĩ, giáo dục-đào tạo và phát triển công nghệ - thông tin phục vụ cho cải cách hành chính... Được biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã đạt 1 tỷ USD, trong đó riêng ngành hàng điều, Việt Nam đã nhập khẩu tới khoảng 600 triệu USD/năm từ phía Bờ Biển Ngà.
Phó Tổng thống Bờ Biển Ngà hoan nghênh sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Duncan chia sẻ, Bờ Biển Ngà hiện là nhà cung cấp ca cao hàng đầu thế giới (chiếm 45% tỷ trọng sản lượng thế giới với 1 triệu tấn/năm) và cũng sẽ sớm trở thành nhà cung cấp điều số một thế giới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các hoạt động chế biến sản phẩm nông sản đã và đang tạo ra thu nhập chủ yếu cho nền kinh tế Bờ Biển Ngà nên rất mong được tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam.
Hai bên nhất trí tầm quan trọng và đẩy mạnh việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và cam kết cùng quan tâm thúc đẩy sớm đàm phán, ký kết các văn bản để tạo khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động nhất là hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần…