Mặc dù hình thức ủy thác đầu tư đã trở nên khá phổ biến thời gian qua, thế nhưng, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về quan hệ uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng.
>> 4 chiêu lừa huy động vốn
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng văn phòng luật sư Bách gia luật và liên danh với DĐDN.
- Thời gian qua có rất nhiều công ty huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư, hợp đồng uỷ thác giao dịch, hợp đồng uỷ thác quản lý… cam kết với mức lãi cao. Hệ thống pháp luật hiện nay quy định về hoạt động này như thế nào, thưa Luật sư?
Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có khung pháp lý cụ thể về quan hệ uỷ thác nói chung, ủy thác đầu tư nói riêng. Sự lỏng lẻo về tính pháp lý trong hoạt động nhận uỷ thác đầu tư giữa các cá nhân/nhóm cá nhân diễn ra nhiều năm nay khiến rủi ro của các nhà đầu tư ủy thác rất cao.
Trên thực tế hiện nay, khi ủy thác đầu tư, bên giao vốn gọi là bên ủy thác, bên nhận vốn gọi là bên nhận ủy thác. Nội dung cơ bản của hợp đồng ủy thác đầu tư là bên nhận ủy thác sẽ nhân danh bản thân mình thực hiện các hoạt động đầu tư và nhận khoản phí ủy thác, bên ủy thác phải trả phí và chịu mọi rủi ro về kết quả thực hiện hoạt động đầu tư.
Chưa kể, thông thường các bên ký kết các điều khoản trong hợp đồng do bên nhận uỷ thác soạn sẵn, có lợi cho bên này, vì vậy, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thì sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Bởi vậy, bên ủy thác sẽ bất lợi và thiệt thòi vì pháp luật không có các quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này.
Theo quy định hiện hành, chỉ có các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư.
- Cụ thể những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện ủy thác đầu tư ở đây là gì, thưa Luật sư?
Rủi ro đến từ việc bên ủy thác không trực tiếp kiểm soát được nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và cho bên nhận ủy thác. Tất cả hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, mục đích đầu tư… đều dựa trên lòng tin và những cơ chế pháp lý (bao gồm luật pháp quốc gia và thỏa thuận cổ đông). Bất kỳ việc không tuân thủ bởi bất kỳ bên nào cũng có thể dẫn tới việc bên ủy thác gặp những khó khăn trong việc thu hồi khoản vốn đầu tư.
>> “Chiêu” huy động vốn bằng Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Các trách nhiệm về thuế, nghĩa vụ tài chính… của bên nhận ủy thác cũng như của doanh nghiệp do bên nhận ủy thác thành lập. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bên nhận ủy thác và doanh nghiệp do họ thành lập đều chỉ có thể vận hành, hoạt động một cách thuận lợi khi có nguồn tài chính hợp pháp từ bên ủy thác. Bất kỳ vấn đề gì phát sinh từ việc tài chính cho các hoạt động kinh doanh không như các bên dự kiến (mà nguyên nhân có thể từ một trong số các bên) đều có thể dẫn tới bên nhận ủy thác và/hoặc doanh nghiệp do họ thành lập phải chịu những trách nhiệm pháp lý khác nhau.
Đáng nói, rủi ro lớn nhất trong hợp đồng ủy thác đầu tư hiện nay là thiếu cơ chế kiểm soát năng lực quản lý, không tách bạch nguồn vốn đầu tư, từ đó dẫn đến môi trường cho các hoạt động chiếm dụng vốn, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…
Thực tế cho thấy đã có không ít bài học đắt giá liên quan đến ủy thác đầu tư, điển hình như vụ vỡ nợ của Huỳnh Thị Huyền Như (Hà Nội), đối tượng đã dùng các công ty “sân sau”... để ký hợp đồng uỷ thác đầu tư nhằm huy động vốn, sau đó lại chuyển toàn bộ số tiền về doanh nghiệp của Như (doanh nghiệp nhận vốn đầu tư). Với hình thức hợp đồng uỷ thác đầu tư và kẽ hở của các ngân hàng đã giúp Huyền Như huy động lên tới hàng ngàn tỷ đồng rồi chiếm đoạt, hậu quả là các nhà đầu tư trót giao vốn uỷ thác đầu tư trắng tay…
- Vậy, để phòng tránh rủi ro từ hợp đồng ủy thác đầu tư, Luật sư có đề xuất, khuyến nghị gì?
Để phòng tránh rủi ro, các cá nhân, tổ chức ủy thác đầu tư/nhận ủy thác đầu tư cần tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến ủy thác đầu tư trước khi tiến hành hoạt động này. Tùy vào các hoạt động ủy thác đầu tư cụ thể mà các văn bản pháp luật điều chỉnh có thể khác nhau, trong đó chủ yếu là các văn bản pháp lý như: Bộ luật Dân sự 2015; Luật Thương mại 2005; Luật các Tổ chức tín dụng 2010; Luật chứng khoán 2019; Thông tư 30/2014/TT-NHNN; Thông tư 14/2016/TT-NHNN…
Đồng thời, cách tốt nhất để ngăn ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác đầu tư là chú trọng thực hiện đầy đủ, kỹ lưỡng tất cả các giai đọan đàm phán như chuẩn bị đàm phán, tiếp xúc, tiến hành đàm phán, kết thúc đàm phán, và rút kinh nghiệm sau đàm phán. Hợp đồng phải được soạn thảo cẩn thận, chứa đựng đầy đủ các nội dung, các điều kiện và điều khoản cần thiết, các nội dung được trình bày rõ ràng, đơn giản, chính xác.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư cần thường xuyên giám sát, theo dõi các danh mục đầu tư cũng như việc thực hiện đầu tư của bên nhận ủy thác. Điều này giúp nhà đầu tư có thể phát hiện kịp thời những vi phạm của bên nhận ủy thác để có các biện pháp xử lý kịp thời.
- Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Công ty MHG "bánh vẽ" sâm Ngọc Linh để huy động vốn?
00:10, 09/08/2023
Liên tiếp huy động vốn thành công qua trái phiếu, Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh là ai?
13:30, 27/07/2023
Hòa Bình: 55 dự án nhà ở chưa được huy động vốn, cảnh báo người dân giao dịch
11:49, 24/07/2023
4 chiêu lừa huy động vốn
11:00, 17/11/2022
“Chiêu” huy động vốn bằng Hợp đồng hợp tác kinh doanh
17:00, 20/07/2022